Làng trầu Dữu Lâu - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc

22 Tháng 6, 2018 | Tin địa phương

 Làng Dữu Lâu xưa kia còn có tên gọi là làng Trầu. Vùng đất này nằm trong Kinh đô Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước. Là một làng cổ nên nơi đây còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

 Tên gọi làng Trầu, là vì nhân dân vùng đất này xưa kia trồng rất nhiều trầu không (lá dầu) cung cấp cho các tỉnh trung du, miền núi và đồng bằng, kể cả Kinh thành Thăng Long. Vì vậy, lá trầu của làng Dữu Lâu nổi tiếng trong cả nước và trở thành thương hiệu. Những vườn trầu ở làng Dữu Lâu trải rộng khắp các cánh đồng, những quả đồi, nằm san sát bên nhau. Mỗi vườn được đầu tư công phu, bên trong cắm những hàng cọc đều tăm tắp cho trầu leo, bên ngoài có dàn che chắn nắng vào mùa hè và che sương muối giá rét vào mùa đông. Ngày nay, người dân ít ăn trầu nên những vườn trầu cũng không còn tồn tại nữa, nhưng tên gọi của khu chợ bán trầu xưa kia vẫn còn với tên "chợ Dầu". Cây trầu vẫn được nhân dân ta trồng ở khắp mọi nơi, để lá trầu được coi là vật thờ tự trong những ngày lễ Tết. Lá trầu quả cau vẫn là nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân đất Việt.

 

_MIENG TRAU LA DAU CAU CHUYEN - QUANG BANG -

Miếng trầu là đầu câu chuyện (ảnh: Quang Bằng)

 Theo truyền thuyết, dải đất ven sông Lô tại làng Dữu Lâu là nơi diễn ra các trận giao chiến giữa đội quân nhà Hùng và quân Thục vào đời vua Hùng thứ 18. Để tôn vinh ngững người có công với dân với nước, nhân dân làng Dữu Lâu đã lập đền thờ một số tướng lĩnh, trong đó có Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh và bộ San Đại Vương. Sau nhiều năm tháng bị thiên tai hủy hoại, ngôi đền không còn nữa, dân làng xây dựng lên ngôi đình và chuyển bài vị các đức thánh về thờ tự tại đây. Từ đó đến nay dân làng Dữu Lâu vẫn hương khói phụng thờ các anh hùng dân tộc. Ngôi đình trở thành linh thiêng, trong những ngày tuần tiết nhân dân quanh vùng đến đây lễ bái rất đông.

 Hàng năm vào dịp đầu xuân, dân làng tổ chức lễ hội, con cháu khắp nơi về dự đông đủ. Mở đầu là phần rước kiệu, đoàn rước đi quanh làng sau đó tập kết tại sân đình. Tiếp đến là phần tế lễ trang nghiêm thành kính, mọi người đều cầu mong đức thánh phù hộ cho dân làng một năm mới trẻ già mạnh khỏe, mùa màng bội thu.

 Sau phần lễ là phần hội làng với nhiều trò chơi dân gian độc đáo, như chọi gà, đấu vật, cờ người, đặc biệt là trò đánh lốc. Đánh lốc là một hình thức sinh hoạt văn hóa riêng có của dân làng Dữu Lâu. Sân chơi đánh lốc là một bãi đất bằng phẳng, mỗi cạnh rộng chừng 10 mét. Trên mặt sân được bố trí bốn lỗ nhỏ để người chơi dùng gậy trấn giữ. Giữa sân có một lỗ lớn hơn, được gọi là lỗ cái (hay "Lồ"). Gậy chơi đánh lốc là một đoạn thân và gốc tre đực, phần gốc được đẽo gọt theo hình móc câu để dễ lùa quả lốc. Quả lốc được làm từ gốc tre già, đẽo gọt hình tròn to bằng nắm tay người lớn.

Đội chơi đánh lốc gồm năm người, trong đó 4 người trấn giữ 4 lỗ, còn một người có nhiệm vụ đi lùa lốc vào lỗ cái. Vì khi quả lốc được lùa vào lỗ cái thì trận chơi đánh lốc cũng kết thúc.Việc lựa chọn người giữ các lỗ và người đi lùa lốc bằng hình thức loại trừ thông qua việc nấc quả lốc (tung quả lốc lên cao lấy thân gậy đánh lốc đỡ quả lốc), người nào đỡ được nhiều lần nhất sẽ được đánh quả lốc đầu tiên từ lỗ cái, người nào đỡ được ít nhất sẽ phải đi lùa quả lốc.

 Hình thức chơi đánh lốc rất đơn giản, an toàn, nhưng khá vui nhộn. Khi quả lốc được người cao điểm nhất đánh ra khỏi lỗ cái, người đi lùa lốc sẽ lùa quả lốc vào lỗ cái. Để ngăn chặn quả lốc lọt vào lỗ cái, người gần nhất phải chặn lốc, nhưng luôn phải chú ý giữ lỗ của mình. Nếu đánh quả lốc đi mà người lùa lốc cướp được lỗ của người đó, thì người mất lỗ lại phải làm nhiệm vụ đi lùa quả lốc. Trận đánh lốc vì thế mà kéo dài có khi đến mấy giờ đồng hồ vẫn chưa kết thúc. Trận đánh lốc diễn ra sôi nổi, cùng với tiếng reo hò của những người cổ vũ, làm cho trận chơi đánh lốc náo nhiệt và hấp dẫn.

 Trò chơi đánh lốc theo nhân dân địa phương kể lại có từ xa xưa, có thể từ thời Hùng Vương và tồn tại cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trò chơi đánh lốc là một trò chơi dân gian khá độc đáo, nếu được khôi phục sẽ thu hút đối với khách du lịch, tạo cho du khách cùng tham gia và giao lưu với nhân dân địa phương.

 Câu chuyện "bánh chưng bánh dày" có lẽ cũng bắt nguồn từ làng Dữu Lâu. Truyền thuyết kể rằng: Vua Hùng thứ sáu khi về già muốn chọn người kế vị, Lang Liêu đã dâng vua cha mâm bánh chưng, bánh dày - tượng chưng cho trời, đất. Cảm kính lòng hiếu thảo của người con thứ, biết trân trọng hạt gạo nuôi sống con người đã làm ra hai thứ bánh rất có ý nghĩa - vua Hùng thứ sáu đã truyền ngôi cho Lang Liêu trở thành vua Hùng thứ 7 - Hùng Chiêu Vương.

 Đến nay chỉ thấy duy nhất có làng Dữu Lâu có miếu thờ Lang Liêu đại vương, trước khi Ngài trở thành Hùng Chiêu Vương.

 Do đó có thể phỏng đoán, nơi sinh ra và lớn lên của Lang Liêu chính là ở làng Dữu Lâu. Ngoài ra, Dữu Lâu còn có một làng tên gọi Hương Trầm. Đây là nơi có giống lúa nếp thơm nổi tiếng, có lẽ Lang Liêu đã làm lụng vất vả để có hạt gạo nếp thơm làm ra hai thứ bánh dâng lên vua cha, trong ngày mừng thọ. Ngày nay, bánh chưng đã được nhân dân cả nước sử dụng làm vật phẩm thờ tự trong những ngày lễ tết cổ truyền của dân tộc.

 Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, miếu cổ thờ Lang Liêu đã bị tháo dỡ và nhường cho hai ngôi trường tiểu học và trung học cơ sở. Bộ khung của ngôi miếu cổ vẫn được nhân dân địa phương lưu giữ từ đó đến nay. Trước đây, dịp mở hội làng đầu năm nhân dân địa phương thường tổ chức rước kiệu đưa ngai bài vị của Ngài về đình làng để thụ hưởng lễ vật cùng các đức thánh thờ tự nơi đây.

 

trau-tem-canh-phuong-dac-trung-van-hoa-kinh-bac-89071

Trầu têm cánh phượng (ảnh sưu tầm)

 Như vậy có thể thấy rằng, làng Trầu Dữu Lâu là nơi còn lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc từ thời đại Hùng Vương. Mặc dù trải qua năm tháng và những biến thiên của lịch sử, nhân dân làng Dữu Lâu vẫn gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo nguyện vọng của dân làng Dữu Lâu muốn được khôi phục ngôi miếu cổ thờ Lang Liêu đại vương, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho phép xây dựng lại miếu thờ Lang Liêu. Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm tri ân các bậc tiền nhân có công dựng nước. Trong quần thể di tích miếu thờ Lang Liêu sẽ có ngôi miếu thờ được xây dựng khang trang, có vườn trầu, ruộng lúa nếp thơm tượng trưng cho làng Trầu và cánh đồng lúa nếp làm bánh chưng, bánh dày của Lang Liêu. Bên cạnh đó sẽ có một sân chơi đánh lốc, nhằm khôi phục lại trò chơi dân gian của ông cha ta thủa trước.

Miếu thờ Lang Liêu được xây dựng sẽ ở gần với đình làng thờ Tản Viên Sơn Thánh và Cao Sơn, Quý Minh. Khi đó, lễ hội của làng Dữu Lâu sẽ được phục dựng như thủa trước. Sẽ có cảnh rước kiệu đưa Lang Liêu đại vương từ miếu về đình làng dự hội cùng với nhân dân và những trò chơi dân gian, như: chọi gà, đấu vật, cờ người, đánh lốc sẽ diễn ra sôi nổi, làm sống dậy những nét đẹp, văn hóa của thủa xưa. Đây cũng chính là các hoạt động tạo thêm sinh khí cho thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc và có sức thu hút khách du lịch về với vùng đất Tổ.

Thạc sỹ Nguyễn Tiến Khôi

 Chủ tịch Hội Sử học Phú Thọ

0 Bình luận

Loading...