Hình ảnh Đất Tổ qua các sản phẩm lưu niệm

18 Tháng 6, 2018 | Tin địa phương

Mong muốn tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn văn hóa đặc trưng của vùng Đất Tổ, Trường Đại học Hùng Vương đã triển khai đề tài “Nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương phục vụ phát triển du lịch trên quê hương Đất Tổ”.

img4698-1528100030

T.S Hà Thị Lịch và T.S Bùi Huy Toàn trong nhóm tác giả ý tưởng giới thiệu về sản phẩm được nhóm trưng bày tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018.

Nhóm nghiên cứu đã sưu tầm, hệ thống hóa những biểu tượng đặc trưng của văn hóa Hùng Vương, lựa chọn những biểu tượng tiêu biểu để thiết kế và sản xuất như: Vua Hùng dạy dân trồng lúa, Vua Hùng dạy dân đi săn. Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Bánh chưng, bánh giầy, chim lạc, trầu cau, Hát Xoan. Được thể hiện qua các sản phẩm như bình gốm, cốc sứ, đĩa, đồ trang sức vàng, bạc và bộ truyện tranh,  các trang phục như áo, khăn được vẽ trực tiếp trên chất liệu lụa truyền thống…
Vào dịp lễ hội Đền Hùng, từ năm 2015 đến 2018 đơn vị đã triển khai tổ chức gian hàng trưng bày, bán và thăm dò phản hồi một số sản phẩm bao gồm: Truyện tranh, bình, khăn lụa, nón lá, cốc, đĩa lưu niệm, tranh in hình các biểu tượng đều nhận được những phản hồi tích cực những đường nét nhẹ nhàng, thanh thoát và có sự hài hòa. Trên mỗi bình gốm, ấm trà, chiếc đĩa… dựng lên trước mắt người xem một không gian thật gần gũi.

T.S Hà Thị Lịch, chủ nhiệm đề tài chia sẻ: “Các sản phẩm lưu niệm do nhóm thiết kế hoàn toàn từ biểu tượng văn hóa Hùng Vương thể hiện rõ tính mới, tính sáng tạo, không trùng lặp với bất cứ các nghiên cứu trước đó về đường nét, màu sắc. Bởi vì, những biểu tượng này đều thiết kế từ các biểu tượng văn hóa phi vật thể, bằng các thủ pháp nghệ thuật hội họa, nghệ thuật tạo hình. Sản phẩm thiết kế luôn chú ý đến tổng thể toàn bộ, đưa hình tượng vào đúng những phần bố cục để giữa mảng hình và mảng chữ có sự cân đối hài hòa đẹp mắt mà không phá đi tương quan toàn bộ”.

dsc9475-1528100046

Những chiếc khăn lụa với họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ hoa văn trên trống đồng Đông Sơn được giảng viên và sinh viên Trường Đại học Hùng Vương giới thiệu trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2018.

Đặc biệt các sản phẩm này còn có tính kết nối phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống như làng nón Sai Nga (Cẩm Khê), Gia Thanh (Phù Ninh); làng gốm Bát Tràng, tranh Đông Hồ; làng gốm Đào Xá- Thanh Thủy..., qua đó kết hợp quảng bá các làng nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh. 

Ấn tượng phải kể đến những bộ truyện tranh đã được trao tặng cho nhiều thư viện trong các trường tiểu học và THCS trong tỉnh nhằm tuyên truyền giáo dục lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc của các thế hệ học sinh. Mỗi câu chuyện được bóc tách thành những hình ảnh điển hình khi khớp nối tạo thành cuốn truyện tranh liên hoàn mà trong đó có phần chữ và phần hình được kết hợp hài hòa, sinh động có sức thuyết phục. Bố cục tranh xây dựng đã thực sự mang ngôn ngữ hội họa: Có bối cảnh, có nhân vật chính và phụ, có họa tiết nhằm tôn hình tượng. Sắp xếp bố cục các nhân vật hài hòa có nhịp điệu, tạo sự thay đổi giữa các chi tiết, bộ phận trên hình tượng. Sắp xếp các mảng hình có to, có nhỏ, có dài có ngắn có những biến tấu làm khuôn hình vui mắt hấp dẫn. Ngoài ra việc phối màu truyền thống mang một ý nghĩa lịch sử, các màu xanh, xanh lá luôn tạo cho người xem dấu ấn cổ xưa, cảm giác truyền thống lâu bền, rêu phong cổ kính phù hợp với tích truyền thuyết Hùng Vương. 

Có thể nói từ hệ thống biểu tượng mang tính tưởng tượng, nhóm nghiên cứu đã hiện thực hóa các biểu tượng đó thông qua sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ và nghệ nhân để đưa biểu tượng đến gần với công chúng, gắn biểu tượng với sản phẩm vật thể dễ tri nhận bằng thị giác. Việc khai thác những đặc trưng văn hóa Hùng Vương nhằm phục vụ thiết kế các sản phẩm lưu niệm, một mặt làm sống dậy, từ đó bảo lưu, phát triển hệ thống các giá trị văn hóa, mặt khác đây là con đường nhằm cá biệt hóa các sản phẩm du lịch nhất là sản phẩm lưu niệm, tạo ra tính đặc trưng văn hóa Đất Tổ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch, từ đó thúc đẩy du lịch Phú Thọ phát triển.

Dự án “Nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương phục vụ phát triển du lịch trên quê hương Đất Tổ” tham gia chương trình “Tự hào Trí tuệ lao động Việt Nam” đã lọt vào tốp 30 toàn quốc, được Tổng LĐLĐ Việt Nam biểu dương và được trưng bày tại triển lãm “Tự hào Trí tuệ lao động Việt Nam” ở Đà Nẵng.

Báo Phú Thọ

0 Bình luận

Loading...