HỘI ĐÌNH LÀNG VIỆT GÓP PHẦN BẢO TỒN GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA VÀ QUẢNG BÁ DU LỊCH PHÚ THỌ

06 Tháng 6, 2018 | Tin địa phương

 Hội  Đình Làng Việt trực thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam, là cộng đồng trên mạng xã hội được thành lập với mục tiêu thu hút những người yêu văn hóa làng của người Việt thông qua những ngôi đình và các giá trị sinh hoạt phi vật thể, không gian văn hóa xung quanh ngôi đình làng, do nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, hiện đang công tác tại Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) sáng lập từ tháng 5 năm 2014. Đến nay, Hội Đình Làng Việt đã tập hợp được trên 12.000 thành viên bao gồm rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà báo, trong đó có những người rất trẻ nhưng có chung sự quan tâm, mong muốn tìm hiểu, học hỏi về giá trị văn hóa của Đình Làng Việt – vốn rất gần gũi, thân thiết trong tâm thức mỗi người. Thông qua hoạt động điền dã những ngôi đình cổ, các thành viên trong hội được gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu về giá trị văn hóa, kiến trúc, di sản đình làng. Đây là một hoạt động tích cực, có giá trị tuyên truyền, quảng bá phục vụ công tác bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản và quảng bá hình ảnh du lịch thông qua hoạt động tuyên truyền của Hội.

 

1797327_994479870668744_7748642850150674468_n

Chuyến điền dã tại đình Do Nghĩa, huyện Lâm Thao và thưởng thức “Hát Xoan Phú Thọ’’ (Ảnh: Phạm Anh)

Từ khi thành lập đến nay, Hội Đình làng Việt đã tổ chức hơn 30 chuyến điền dã nghiên cứu đình làng ở nhiều tỉnh thành trong khắp cả nước. Tại tỉnh Phú Thọ, qua công tác kết nối với Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Hội đã tổ chức điền dã 3 chuyến với các địa điểm: Năm 2015: đình Lâu Thượng, đình Hùng Lô, thưởng thức di sản hát Xoan Phú Thọ; Năm 2016 với chủ đề “Trở về Phú Thọ” tổ chức tại đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy), đình Do Nghĩa, làng nghề tương Dục Mỹ (huyện Lâm Thao); lần trở về thứ 3 năm 2018, với điểm đến là nhà thờ cổ Hoàng Xá, một công trình kiến trúc của Thiên chúa giáo nhưng đậm chất Á Đông – có góc mái cong giống mái đình làng Việt, tham quan điền dã tại đình Đào Xá, thăm đình Hữu Bổ và đền Quốc tế, xã Dị Nậu, thưởng thức một màn trình diễn “Bách Nghệ trình làng” do các nghệ nhân không chuyên của xã Dị Nậu, huyện Tam Nông biểu diễn.

Trong các chuyến điền dã về Phú Thọ, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các nhà nhiếp ảnh và phóng viên các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, sự đóng góp của Hội đình làng Việt cho công tác  tuyên truyền quảng bá, bảo tồn di tích và đặc biệt là những đóng góp cho sự phát triển du lịch là không hề nhỏ.                

Còn nhớ năm 2015, khi thực hiện chuyến điền dã đầu tiên của hội về Phú Thọ, điểm du lịch Làng cổ Hùng Lô còn chưa nhiều người biết đến. Ngay sau chương trình, một loạt hình ảnh đẹp về Hát Xoan, ngôi đình cổ được các thành viên chia sẻ rộng rãi và lan truyền trong giới nghề nghiệp. Từ đó đến nay, cùng với sự nỗ lực quảng bá của ngành du lịch Phú Thọ, du lịch làng cổ Hùng Lô, thưởng thức Hát Xoan làng cổ từ chỗ phát triển manh nha, tự phát đã trở thành một sản phẩm du lịch có thương hiệu, được du khách biết tới khi về Đất Tổ. Nếu năm 2015, điểm làng cổ Hùng Lô chỉ đón 80 đoàn khách nội địa với hơn 3.000 lượt khách thì chỉ sau 2 năm, năm 2017, điểm du lịch này đã đón trên 300 đoàn với hơn 8.000 lượt khách.

100

Chuyến điền dã tại Đền Quốc tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông và xem trình diễn “Bách nghệ trình làng” (Ảnh: Phạm Anh)

Bên cạnh công tác điền dã, khảo sát nghiên cứu chuyên sâu kiến trúc cổ, văn hóa tại các ngôi đình, Hội đình làng Việt cũng quan tâm, tìm hiểu các diễn xướng dân gian gắn với đình làng xưa và đưa các diễn xướng này quảng bá rộng rãi trên khắp cả nước, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan Phú Thọ. Có thể nói đây là một món ăn tinh thần không thể thiếu của Hội mỗi khi về Phú Thọ cũng như trong các sự kiện do hội tổ chức. Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thế nhưng lại ít ai biết rằng, chính đình làng là cái nôi nuôi dưỡng hình thức diễn xướng đó trong suốt nhiều thế kỷ. Bao đời nay, đêm hội làng rộn rã ở sân đình vẫn là những kỷ niệm đẹp đẽ lưu mãi trong ký ức những người dân Việt. Dành nhiều tình cảm cho di sản này, Hội đình làng Việt luôn luôn tạo những điều kiện tốt nhất để hát Xoan Phú Thọ được quảng bá trong các sự kiện như Triển lãm “Đình làng Việt – Những điều còn mất”; Tết Việt qua 3 năm 2016, 2017, 2018...từ đó, với sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các nghệ nhân, thành viên các phường Xoan gốc, hát Xoan Phú Thọ đã gây ấn tượng tốt đẹp với nhân dân cả nước; những  hình ảnh những đào, kép Xoan được lan truyền rộng rãi trên các mặt báo, góp phần lan tỏa hát Xoan Phú Thọ đến gần hơn với du khách và người dân.

duoi-chan-cay-neu-o-ngoi-dinh-dep-nhat-xu-doai-nghe-cau-xoan-co-hinh-anh3138765526

Quảng bá Hát Xoan Phú Thọ tại sự kiện Tết Việt 2018 tại Đình So, Quốc Oai, Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Tiến Dũng)

Với sự giúp đỡ tích cực của Hội đình làng Việt góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, văn hóa vùng Đất Tổ. Hy vọng trong tương lai không xa, các ngôi đình làng cổ, các diễn xướng dân gian tại Phú Thọ như đình Đào Xá, đình Do Nghĩa, đình Hữu Bổ, tích trò “Bách nghệ trình làng” sẽ trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Mà điểm đến đình cổ Hùng Lô thưởng thức “Hát Xoan Phú Thọ” là một ví dụ điển hình trong hiệu quả quảng bá du lịch thông qua hoạt động của Hội Đình làng Việt./.

     Phạm Anh – Trung tâm TTXT Du lịch

0 Bình luận

Loading...