Làng Dầu xưa và nay

09 Tháng 5, 2018 | Tin địa phương

img3503-1524796477
Lối vào cổng Chợ Dầu, phường Dữu Lâu.

           Ăn trầu là một phong tục cổ truyền của người Việt Nam có từ thời Hùng Vương dựng nước. Người xưa có câu “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, khi được dùng để mời khách đến chơi nhà. Mâm cỗ cúng gia tiên không thể thiếu được miếng trầu, tiệc cưới cũng có đĩa trầu để vui duyên đôi lứa. Lá trầu, quả cau còn là biểu tượng cho tình yêu lứa đôi; là sợi dây kết chặt mối lương duyên cho trai gái nên vợ thành chồng.

          Tuy chỉ là lá trầu, miếng cau, chút rễ, chút vôi đơn sơ hợp thành nhưng miếng trầu luôn là thứ không thể thiếu trong lễ tế, cưới hỏi bởi nó mang đậm dấu ấn văn hóa Việt và là một phong tục đẹp được lưu giữ qua hàng ngàn đời nay.

           Phường Dữu Lâu (thành phố Việt Trì) là vùng đất cổ có nhiều di tích lịch sử liên quan đến thời đại Hùng Vương, trong đó làng Dầu là một địa chỉ lâu đời thuộc địa bàn kinh đô Văn Lang cổ đại, nằm ven sông Lô, giao thông thủy, bộ đều thuận tiện. Vùng đất làng Dầu xưa được Nhà nước Văn Lang chọn làm nơi đặt kho tàng, dự trữ lương thực. Với trên 11ha đồi gò san sát, nối tiếp nhau như đồi Chu Ba, Mỏ Cú, đồi Bụt, Mã Quàng, đồi Mây, đồi Bổng, đồi Gầu, gò Bông, núi Rùa, núi Nghè; 250ha đồng ruộng như đồng Cả, Đè Mát; 60ha vùng đất bãi nằm xen giữa những hồ ao, đầm, lớn nhất là Chằm Trương, vụng Ổ Rồng...; với nghề nông, nuôi thả cá. Cư dân Văn Lang ở Dữu Lâu từ xa xưa còn có nghề trồng trầu để duy trì tục ăn trầu - một nét văn hóa độc đáo của người Việt được hình thành từ những buổi bình minh dựng nước. 

          Thạc sĩ Nguyễn Tiến Khôi - Chủ tịch Hội sử học tỉnh cho biết: Ở Dữu Lâu có sự tích Hoàng tử Lang Liêu dâng Vua Cha bánh chưng, bánh giầy được làm bằng nếp thơm của làng Hương Trầm. Cùng với lúa nếp Hương Trầm, Vua Hùng còn truyền cho dân Dữu Lâu trồng cây trầu, lập chợ Trầu bán cho vương hầu, công chúa, cư dân kinh đô Văn Lang. Chợ nằm bên bến sông Lô nên hàng ngày, thuyền của thương lái tấp nập vào ra, chở trầu đi khắp vùng. 

img6437-1524796478
Nghề trồng trầu - một nét văn hóa độc đáo của người Việt còn được lưu giữ lại ở Dữu Lâu.



             Là vùng đất cổ, cùng với sự phát tích của Hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ở Dữu Lâu còn có nhiều di tích văn hóa vật thể như đình Bảo Đà, đình Hương Trầm, đình Dữu Lâu, đình Quế Trạo, miếu Dữu Lâu - là nơi thờ cúng những người có công với nước, với dân như Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn, Quý Minh đại vương... Hàng năm, nơi đây thường diễn ra các lễ hội văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh của nhân dân và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. 

           Ngày nay, trên vùng đất cổ là kinh đô Văn Lang xưa, cùng với phát triển kinh tế, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa; Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở phường Dữu Lâu luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ; đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh từ mỗi gia đình, mỗi khu dân cư. Những nỗ lực để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa bằng sự đồng tâm hiệp lực đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ: 100% khu dân cư có nhà văn hóa, 96% số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, 89% số khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,26%; các trường học từ bậc mầm non đến THCS, trạm y tế đều đạt chuẩn Quốc gia. 

           Làng Dầu tuy đã nhiều đổi thay nhưng sắc thắm của miếng trầu làm nên mối lương duyên trăm họ vẫn nguyên nét thủy chung; đậm tình làng, nghĩa xóm mang đậm bản sắc văn hóa. Không còn là chợ trầu xưa, chợ Dầu ngày nay trở thành nơi giao lưu hàng hóa khu vực phía Đông Bắc thành phố Việt Trì, kết nối với thị trường quanh vùng. Ở một góc chợ Dầu, vẫn có những hàng trầu cau, vỏ rễ phục vụ cho nhu cầu thường nhật. Đó đây trong khuôn viên mỗi gia đình vẫn thấy những dây trầu xanh tốt ôm vào thân cau cuốn quýt, cao vút; vươn lên như sức sống của một vùng văn hóa được khai mở từ thời đại Hùng Vương dựng nước.

Nguồn: baophutho.vn

0 Bình luận

Loading...