Về miền quê di sản

07 Tháng 5, 2018 | Tin địa phương

                   PhuthoPortal - Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc Việt Nam, Phú Thọ được coi là cái nôi của nền văn hóa cổ truyền với hệ thống di sản vô cùng phong phú và đa dạng. Trên mảnh đất này còn tồn tại, lưu giữ rất nhiều di sản gắn với thời đại các Vua Hùng tạo nên diện mạo văn hóa đặc sắc mà không thể thấy ở bất cứ nơi nào khác. Đây là điểm đến không thể bỏ qua đối với bất cứ ai muốn khám phá nơi cội nguồn dân tộc, nhất là khám phá về 2 di sản được UNESCO vinh danh: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ.

tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-636319299650371334.jpg

Rước kiệu về Đền Hùng của các xã vùng ven Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

                 Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản có một không hai

                Từ nhiều đời nay, các thế hệ người dân Việt Nam luôn hướng đến một điểm tựa tâm linh. Điểm tựa đó trở thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chung của dân tộc: Thờ tự Vua Hùng. Có thể coi đây là đức tin tín ngưỡng thuần Việt đã vượt qua mọi thời đại để trở thành biểu tượng cho khát vọng trường tồn, độc lập, tự chủ lâu dài và ước mơ về sự phồn vinh của Quốc gia, dân tộc. Tự hào và trân trọng hơn, khi “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012.

                Cả nước hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Riêng Phú Thọ có 326 di tích liên quan đến thời Hùng Vương, trong đó có 109 di tích thờ Vua Hùng. Đền Hùng là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam. Trong những năm qua, với vai trò, trọng trách là “con trưởng tạo lệ”, Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đại diện của nhân loại. Trong đó, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về “Bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” với ý thức, trách nhiệm và quyết tâm cao đối với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hằng năm, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức thành kính, trang nghiêm theo nghi lễ truyền thống. Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử của dân tộc, giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng như hiện nay. Sự thành công lớn nhất trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản chính là ý thức nguồn cội của hàng triệu triệu người dân đất Việt. Đây là minh chứng cho sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

                Để bảo tồn di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Phú Thọ đã tăng cường đầu tư bảo tồn, tu bổ nhiều di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh. Các công trình đền, đài, lăng tẩm được tu bổ khang trang trên cơ sở giữ nguyên các giá trị của di tích gốc nhằm bảo tồn, giữ gìn “không gian thiêng”. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có những chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản; đưa giáo dục di sản vào chương trình trong các trường học, nhằm nâng cao nhận thức về giá trị và sự cần thiết bảo vệ di sản cho các em học sinh. Đặc biệt, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được tham gia vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, bảo tồn các tập quán tín ngưỡng, nhất là trong các dịp giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm. Chính vì chủ trương đúng đắn đó, người dân địa phương thực sự trở thành chủ nhân đích thực của di sản, giúp di sản văn hóa được bảo tồn bền vững và góp phần không nhỏ làm nên thành công của lễ hội.

              Tháng Ba về, cũng là lúc hàng triệu con Lạc cháu Hồng ở khắp mọi miền đất nước hội tụ về núi thiêng Nghĩa Lĩnh, thắp nén tâm hương tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước và chiêm nghiệm những giá trị văn hóa từ thời các Vua Hùng, để nhận ra rằng tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Việt xưa đã trở thành nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và mang một ý nghĩa cội nguồn không thể thiếu trong cuộc sống của người dân đất Việt.

             Hát Xoan Phú Thọ - Một hiện tượng di sản của UNESCO

k-trang_1.jpg

            Là một trong những loại hình dân ca độc đáo của dân tộc, Hát Xoan còn được biết đến với tên gọi Hát cửa đình hay còn gọi là Khúc Môn Đình gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Việc UNESCO ghi danh Hát Xoan Phú Thọ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại ngày 24/11/2011 không chỉ khẳng định giá trị của di sản này mà hơn thế, còn đặt ra cho Hát Xoan Phú Thọ nấc thang mới cần phải vượt qua, đó là thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Trong suốt 6 năm qua, tỉnh Phú Thọ đã có chiến lược đầu tư bài bản, có tính lâu dài để khôi phục, phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ. Cả hệ thống chính trị, từ các cấp chính quyền đến các nghệ nhân và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực quyết tâm bảo vệ và phát huy giá trị di sản Hát Xoan Phú Thọ ngày một tốt hơn. Bằng những hành động thiết thực, đã tạo một nguồn sinh lực, tạo đà cho Hát Xoan Phú Thọ chuyển mình vươn lên tầm cao mới. Sau 6 năm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, ngày 8/12/2017, Hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO chính thức ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử UNESCO, một di sản được chuyển từ trường hợp “khẩn cấp” sang “đại diện” cho thấy sự nỗ lực, thống nhất của tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu này.

          Nói tới Hát Xoan Phú Thọ người ta thường nghĩ tới ngay 4 phường Xoan gốc: An Thái, Kim Đái, Thét và Phù Đức - nơi khởi nguồn cho sự hình thành và phát triển của Hát Xoan Phú Thọ. Đến đây, ta không chỉ được nghe giới thiệu những thông tin cơ bản liên quan đến Hát Xoan mà còn được thưởng thức những làn điệu Xoan cổ do các nghệ nhân trình diễn bài bản và chuyên nghiệp. Với sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ, Hát Xoan Phú Thọ đã khẳng định được vị trí của mình trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đất Tổ.

         Di sản văn hóa vùng Đất Tổ đã đóng góp xứng đáng vào việc giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương. Mỗi người dân Phú Thọ đều có quyền tự hào về kho tàng di sản văn hóa mà ông cha đã trao truyền và càng nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm bảo tồn, phát huy, để di sản văn hóa trường tồn và ngày càng lan tỏa trong thời đại mới. Đặc biệt là trong bối cảnh cuộc sống đương đại và toàn cầu hóa hiện nay, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản là nhiệm vụ cấp thiết nhằm thực hiện Chương trình hành động Quốc gia mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO đảm bảo di sản mãi trường tồn và luôn giữ được danh hiệu mà UNESCO đã vinh danh.

Nguồn: phutho.gov.vn

0 Bình luận

Loading...