Bơi chải trên Đất Tổ

06 Tháng 8, 2018 | Tin địa phương

 

boi-chai-1524356168

Các đội bơi chải đua tài tại Hồ công viên Văn Lang. Ảnh: Khánh Nguyên

PTĐT - Từ nhiều năm nay, Hội thi bơi Chải mở rộng trên Hồ công viên Văn Lang với sự tham gia của nhiều huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh, đã trở thành một hoạt động  hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa – thể thao dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa, nhằm xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông vào thế kỷ XIII, nhà Trần đã nhiều lần chọn ngã ba Bạch Hạc làm nơi huấn luyện quân sĩ. Vì thế bơi chải xuất hiện tại đây là một trong những hoạt động nhằm luyện thủy quân thêm dẻo dai, bền bỉ. Từ đó, bơi chải trở thành một tục lệ - một nét đẹp văn hóa truyền thống mang tính thượng võ của người dân quanh năm gắn bó với sông nước. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bom đạn chiến tranh đã khiến cho hoạt động bơi chải tại Bạch Hạc ngừng trệ trong nhiều năm liền. Cho tới năm 1992, UBND thành phố Việt Trì đã quyết định khôi phục hội bơi Chải.

Không chỉ thành phố Việt Trì, hiện nay 2 huyện Đoan Hùng và Thanh Thủy đã tổ chức hội thi bơi Chải mở rộng trên 2 con sông lớn chảy qua địa bàn là sông Lô và sông Đà. Bên cạnh ý nghĩa của lễ hội truyền thống, thì đây cũng là dịp để các huyện tuyển chọn ra lực lượng tốt nhất tham gia hội thi bơi chải truyền thống mở rộng tại Hồ công viên Văn Lang dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm.

Trong hội thi, mỗi một giáp có 27 người, trong đó có 24 tay chèo, 1 người gõ nhịp, một người lái chính và một người tát nước. Bên cạnh đó, khi chọn người tham gia vào đội chải, trưởng giáp không chỉ chọn người trẻ tuổi, vì bơi chải phải bền sức và biết phối hợp với đồng đội, vậy nên thường chọn những người đã có kinh nghiệm và dẻo dai.

Khi cờ hiệu phất lên, các đội chải bắt đầu lao đi vun vút trên mặt nước. Những cánh tay dầm mái chèo đều thoăn thoắt, nhanh hay chậm tùy theo nhịp của người gõ mõ. Người gõ nhịp phải hiểu thế mạnh và hạn chế của các tay chèo để theo đó gõ nhịp cho thật chuẩn. Cũng phải căn đoạn cua hay đường thẳng mà gõ để phối hợp với người lái chính. Người gõ nhịp cho chải thường là những người dày dạn kinh nghiệm, biết tính toán và có khả năng cổ vũ anh em trong đội mình. 

Người lái chính của chải phải là người chắc tay nhất. Lái luôn phải thẳng, khỏe; tới khúc cua không được để chải nghiêng. Đồng thời, người lái chính cũng phải có kinh nghiệm, thuộc luồng lạch sông để tránh đưa chải vào những nơi bất lợi.

Để cho chải đua nhanh thì những tay chèo phải khỏe, dai sức. Khi chèo phải cắm mái dầm sâu, chèo đều tay. Bơi chải là một hoạt động mang tính đoàn kết, đồng đội cao. 27 người trên chải phải thật nhịp nhàng, mới tiết kiệm và phân bố đều sức của các tay chèo, chải vì thế mới bơi nhanh.

Trong ngày thi chải, màu sắc sặc sỡ của thuyền, của trang phục thi đấu, hòa quyện với âm thanh náo nhiệt của tiếng mái chèo khua sóng, tiếng trống, tiếng mõ gõ nhịp, tiếng hô của vận động viên, tiếng reo hò cổ vũ của người dân, du khách, tạo thành một bức tranh sống động khó quên.

Lễ hội Bơi Chải đã khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức về tình cảm, cộng đồng, sức mạnh về môn thể thao truyền thống của dân tộc, Lễ hội thực sự là dịp để nhân dân nêu cao tinh thần thượng võ dân tộc, tái hiện lại lịch sử hào hùng, oanh liệt của cha ông ta hàng nghìn năm giữ nước.

(Theo: Đức Hoàng - http://baophutho.vn)

0 Bình luận

Loading...