Hát Xoan đón đào - duyên xưa thắm lại

08 Tháng 2, 2018 | Tin địa phương

11

Đón đào trên bến sông xưa (Ảnh tư liệu phục dựng của Hội VNDG tỉnh Phú Thọ)

          Hát Xoan đón đào là một trong những hình thức biểu hiện giao lưu của hát Xoan nước nghĩa. Hát Xoan nước nghĩa là hình thức hát giao kết giữa họ Xoan với làng kết nghĩa anh em. Hát nước nghĩa phản ánh nét đặc trưng riêng có trong Hát Xoan với nội dung hát thờ thần. Thực chất của hình thức hát Xoan nước nghĩa là việc giao lưu hát Xoan của các phường Xoan gốc với các làng có liên quan trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với nội dung khẩn nguyện, giao kết, cầu chúc của cư dân các làng làm nông nghiệp.

           Theo nhạc sĩ Đặng Hoành Loan: “Tục kết nước nghĩa giữa các phường Xoan với các làng trong vùng không chỉ cho ta thông tin về mối quan hệ "tình làng nghĩa xóm", 'tối lửa tắt đèn có nhau" mà còn cho ta biết về vai trò và giá trị nghệ thuật của Hát Xoan. Một thứ nghệ thuật không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn thỏa mãn cả nhu cầu vui chơi giải trí cộng đồng”.

          Tùy theo phong tục từng làng mà cách đón tiếp cósự thể hiện khác nhau nhưng cách đón tiếp để lại tới ngày nay nhiều ấn tượng nhất là cuộc đón phường Xoan An Thái của dân làng Đức Bác (xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).

         Làng Đức Bác (xã Đức Bác, huyện Lập Thạch nay là huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) là một địa danh vừa có những nét riêng, vừa có những nét nổi bật trong quá trình diễn xướng của Hát Xoan. Đức Bác còn gọi là Đức Liệp (Kẻ Lép) là một làng bên bờ sông Lô, nơi vừa có đồi gò, ruộng đầm, vừa có bờ bãi bên sông. Đền, đình làng ở đây thờ nhị vị Thánh ông và Thánh bà, là Trôi Sơn đại thần và Nương Nương công chúa.

          Một năm làng có 3 kỳ lễ hội.

         Kỳ thứ nhất vào ngày mồng 1 tháng Hai âm lịch, gọi là "tiệc khai xuân cầu đình". Ngoài lễ vật hương hoa người ta còn làm hình một cái âm vật bằng mo cau để ở đền Thánh bà và hình một cái dương vật bằng gỗ vông để ở đền Thánh ông. Chiều tối mồng 1 rước hai"vật giống" ấy về đình, trước cuộc hát Xoan thờ có tục làm hèm: Chạm hai vật giống ấy vào nhau ba lần rồi đặt lên bàn làm lễ yên vị.

         Kỳ lễ hội thứ hai diễn ra vào ngày mồng 1 tháng Sáu âm lịch, gọi là "hạ điền cầu nước". Hội có bơi chải, bơi sang Kẻ Nổi (xã Phượng Lâu, Phong châu), nơi kết nghĩa để lấy nước và mấy con mạ về cấy xuống đồng nhà.

         Kỳ lễ hội thứ ba diễn ra vào ngày trung tuần tháng Tám âm lịch ở đền Thánh ông. Tiệc cầu có gỏi cá làm lễ vật chính.

         Như vậy, trong ba kỳ lễ hội của làng hàng năm chỉ có kỳ lễ hội "khai xuân cầu đình" là có Hát Xoan thờ thần.

         Chuyện xưa kể lại rằng: Từ sáng sớm ngày mồng 1 tháng Hai năm Âm lịch (ngày tiệc khai xuân cầu đình của làng), 8 trai làng Đức Bác, mỗi người đeo một trống bản cùng một số người đại diện, ra bến sông đầu làng đón phường Xoan An Thái (xã Phượng lâu, huyện Phù ninh), sang hát thờ.

        Hôm ấy, ông Trùm phường mặc trang phục áo dài vải the đen, đầu đội khăn sếp đen, quần vải trắng, tay cầm ô đen, chân đi guốc mộc (guốc đẽo bằng gỗ xoan, có khi bằng củ tre). Cùng đi với ông Trùm có có 1 ôngvừa là nhạc công thuần thục giữ nhịp trống phách, vừa là kép hát dẫn thành thạo, lại vừa là người giúp ông trùm chỉ đạo nghệ thuật, mặctrang phục giống như ông trùm; 8 đến 12 cô đào (tuổi từ 13 đến 20, đều chưa lấy chồng) và hai anh kép nhỏ (tuổi dưới 15), một kép bưng tráp (trong tráp có đựng sách chép những bài bản hát Xoan viết bằng chữ Nôm), một kép mang trống Xoan cùng một số cặp phách bằng tre; các đào Xoan áo dài, đầu đội khăn nhung, mặc quần láng đen, áo the thâm hoặc nâu non, thắt lưng đen, có khi là bao xanh, bao hồng, chít khăn mỏ quạ, tay nải khoác vai, đi chân đất;kép đầu đội khăn lượt, mặc áo the thâm, quần trắng, đầu thắt dải nhiễu điều, đi chân đất. Những người ra đón mặc bộ trang phục đẹp nhất của mình; riêng người đại diện là nam giới, tuổi ngoài 50, mặc áo the, quần vải trắng, đầu đội khăn xếp đen, tay cầm ô đen, chân đi guốc mộc.

         Khi đoàn thuyền chở phường Xoan cập bờ, tiếng trống khua vang rộn khắp bến sông. Sau đôi câu hát trao duyên tình tứ, các trai làng đeo trống vào cổ cho đào. Rồi từng cặp, từng cặp, nữ đeo trống trước bụng,đi giật lùi; nam cầm dùi gõ vào mặt trống, họ vừa đi vừa cất tiếng hát trao duyên trong nhịp trống rộn ràng. Dân làng theo xem đám hát ấy đông dần. Không khí cuộc đón tiếp ngày càng náo nhiệt hơn.

          Nam hát: Đi đâu từ sáng đến giờ

          Để cho anh đợi, anh chờ, anh mong

          Đó là lời trách duyên của các trai làng Đức Bác đứng trên bến sông chờ đợi. Chờ hoài, chờ mỏi mắt, chờ mãi từ sớm đến giờ. Chỉ mong được gặp, được đón đào sang, vui cùng anh trong ngày hội làng đã mở.

          Đào Xoan hát đáp:

         - Bên em còn dở hội chùa

          Cho nên em phải sang trưa thế này

         - Cách sông nên phải lụy đò

         Nên em mới phải sang trưa thế này...

         Nam hát:

                             Đón đào từ bến đò ngang

                             Dân anh mở tiệc đào sang hát thờ

                             Đón đào từ sớm đến giờ

                             Để cho tin đợi, tin chờ, tín mong.

           Đào Xoan hát đáp:

                             Chờ mong xin giã ơn lòng

                             Cách sông, cách đồng, giờ mới tới đây...

           Cuộc đón tiếp nồng thắm vì thế cứ dùng dằng từ sáng sớm cho đến quá trưa họ mới về tới đình làng. Họ hát đối đáp suốt từ bờ sông đến sân đình.

           Khi phường Xoan về đến đình làng thì cũng là lúc hai cỗ kiệu rước "vật giống" ở hai đền về đến đình, phường Xoan được ông chủ tế cùng những bậc cao niên trong làng đón tiếp rất thân mật. Sau khi làm lễ hèm, phường Xoan bắt đầu cuộc hát. Mở đầu là hát múa mời vua về dự hội đình với dân làng; tiếp theo là hát quả cách, hát những bài chúc vua, những bài kể về lịch sử và nghề nghiệp của cư dân lúa nước; cuối cùng là hát giao duyên nam nữ giữa đào Xoan và trai làng. Hát Xoan được trình diễn trong khoảng thời gian từ lúc lên đèn, qua đêm đến rạng sáng hôm sau.Tuy nhiên tùy theo hoàn cảnh kinh tế hàng năm mà làng lưu mời phường Xoan phục vụ 1 đêm, 2 đêm hay 3 đêm. Nếu là 3 đêm thì trình diễn đủ cả chương trình gồm các chặng hát vào khoảng hơn 2.000 câu hát.

          Sau mỗi lần đi hát trở về, phường Xoan thường nhận được tiền hoặc gạo của làng sở tại ban cho. Để trả công cho phường Xoan, ông thủ từ đặt hai cái cót ở góc sân dình, một cót đựng thóc và một cót đựng ngô. Tùy lòng hảo tâm, dân các làng đến hội gánh theo ngô hoặc thóc đổ đầy vào cót. Dân làng Đức Bác kể rằng: Ngày xưa mỗi lần phường Xoan đến hát, làng thu mỗi suất đinh  một đấu gạo hoặc lượng ngô, thóc tương đương để góp vào làm phần thưởng cho phường.

           Dã hội, phường Xoan ra về, các trai làng gánh gạo, thóc, ngô tiễn phường Xoan ra tới bến đò ngang.Thù lao nhận được sau khi bớt lại để làm quỹ chung do ông Trùm phường giữ, số còn lại chia đều cho các thành viên.

           Hát Xoan vừa là sản phẩm, vừa là hiện t­ượng văn hóa dân gian đặc trư­ng của vùng đất Tổ Hùng V­­ương. Hát Xoan đón đào, duyên xưa thắm lại là một bản tình ca mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc./.

Phạm Bá Khiêm - Hội VNDG tỉnh Phú Thọ

0 Bình luận

Loading...