Hướng tới sự chuyên nghiệp cho du lịch Đất Tổ

08 Tháng 1, 2018 | Tin địa phương

1-1515132383
Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách nước ngoài về các điểm du lịch và các sản vật của Phú Thọ.

Ngày 1/1/2018, Luật Du lịch sửa đổi chính thức có hiệu lực, trong đó có nhiều điểm mới so với Luật Du lịch 2005 với quan điểm xuyên suốt là lấy khách du lịch làm trung tâm, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp. 

Điểm mới trong Luật Du lịch

Luật Du lịch (sửa đổi) được triển khai đã hiện thực hóa Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Một trong những điểm mới của Luật là việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Trước đây Luật Du lịch 2005 quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa chỉ cần thông báo đến Sở Du lịch, Sở VH -TT&DL về thời điểm bắt đầu hoạt động.

Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện Luật Du lịch 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, có trường hợp không thành lập doanh nghiệp, không bảo đảm các điều kiện kinh doanh nhưng không thông báo đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, do đó khi khách du lịch không được bảo đảm quyền lợi thì rất khó xử lý. Vì vậy, Luật Du lịch 2017 đã bổ sung điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa để bảo đảm quyền lợi cho khách du lịch và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc cấp giấy phép lữ hành quốc tế qua sửa đổi Luật đã được quy định đơn giản hơn.

Trước đây, doanh nghiệp muốn được cấp giấy phép lữ hành quốc tế phải nộp hồ sơ đến Sở Du lịch hoặc Sở VH-TT&DL thẩm định, sau đó Sở gửi lên Tổng cục Du lịch. Theo quy định của Luật sửa đổi thì doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ đến Tổng cục Du lịch. Đối với hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch có thời hạn 5 năm thay vì chỉ 3 năm như trước đây. Tổng cục Du lịch sẽ thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao trở lên còn cấp tỉnh sẽ xếp hạng từ 1 đến 3 sao (trước đây chỉ được công nhận từ hạng 1 đến 2 sao).

Đặc biệt, Luật Du lịch 2017 đã điều chỉnh điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch theo hướng rút ngắn khoảng cách về trình độ giữa hướng dẫn viên du lịch nội địa và hướng dẫn viên du lịch quốc tế trên cơ sở phù hợp với chương trình đào tạo về hướng dẫn viên, đảm bảo cân đối giữa trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên đã được quy định chặt chẽ hơn để ngăn ngừa việc lợi dụng hoạt động hướng dẫn du lịch để kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép. 

Thắt chặt quản lý hướng dẫn viên du lịch tự do

5-1515132429
Theo Luật Du lịch 2017, các cơ sở lưu trú hạng 1 đến 3 sao sẽ do cơ quan chức năng về du lịch tại tỉnh thẩm định và xếp hạng.


Tổng cục Du lịch vừa có văn bản yêu cầu Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố thực hiện triển khai quản lý hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Luật Du lịch năm 2017. Theo số liệu từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có khoảng 30 hướng dẫn viên (HDV) hoạt động thường xuyên (không tính HDV tự do) bao gồm cả HDV du lịch nội địa và quốc tế. Hiện nay, HDV có thể lựa chọn làm việc cho một công ty hoặc làm HDV tự do. Phần lớn HDV hiện chọn kiểu làm việc tự do, không thuộc quân số của đơn vị nào khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn. 

Luật Du lịch 2017 quy định, HDV chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện. Thứ nhất, có thẻ HDV du lịch. Thứ hai, có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và nội địa. Thứ ba, có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. 

Trao đổi vấn đề này, bà Vũ Thị Hoài Phương - Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VH-TT&DL cho biết: Trước đây, HDV quốc tế phải có bằng cử nhân và HDV nội địa phải có bằng cao đẳng, nhưng Luật Du lịch lần này chỉ yêu cầu HDV quốc tế tốt nghiệp Cao đẳng chuyên nghiệp chuyên ngành hướng dẫn và HDV nội địa tốt nghiệp Trung cấp chuyên ngành hướng dẫn. Như vậy yêu cầu về trình độ đã được “nới” hơn. Tuy nhiên các HDV du lịch tự do lo ngại bị sự gò bó, bị hạn chế công việc và túi tiền khi buộc phải “ghi tên” vào công ty, tổ chức.

Trên thực tế, quy định này giúp Nhà nước quản lý thuận lợi, tránh tình trạng HDV “chui” dẫn khách không có hợp đồng bởi khi có sự cố xảy ra thì người chịu thiệt thòi nhất chính là du khách. Vì thế, quy định này sẽ đảm bảo được quyền lợi cho khách du lịch song các HDV du lịch tự do sẽ “mất tự do”, họ không thể nhảy việc nhiều công ty một lúc!

Ông Nguyễn Văn Tuyển - Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Tập đoàn liên kết Hùng Vương đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Phú Thọ bày tỏ quan điểm: Trước đây một HDV có thể làm một lúc 10 công ty lữ hành, nhất là vào những tháng hè. Do không có sự ràng buộc gì nên HDV thích thì làm, thiếu gắn bó trách nhiệm. Thực hiện theo Luật, HDV giờ chỉ được đăng ký hoạt động với một doanh nghiệp hoặc với Hội lữ hành. Quyền lợi của HDV được đảm bảo đồng thời tránh được tình trạng HDV chui lừa đảo du khách, gây ảnh hưởng đến uy tín du lịch Phú Thọ. 

Trên thực tế, do cạnh tranh nên không phải công ty lữ hành nào cũng “mát lòng mát dạ” giao tour cho HDV đang là biên chế của công ty khác. Nhiều sinh viên theo học ngành du lịch cũng lo lắng, khi ra trường còn non trẻ, kinh nghiệm chưa dày dặn muốn hành nghề HDV khó có được ngay hợp đồng lao động với một doanh nghiệp lữ hành và dẫn tour tự do vốn là cách để sinh viên mới ra trường được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Ông Lê Mạnh Tường - Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Tường Ánh cho rằng: Nên nhìn ở hai mặt, việc “siết” các điều kiện hành nghề đối với HDV tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành có nguồn HDV chất lượng, kỹ năng tốt. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gặp khó khăn bởi không nhiều HDV ký hợp đồng vì công việc, lịch tour không đều.

Do du lịch Việt Nam nói chung vẫn mang tính mùa vụ nên khi công ty ký hợp đồng ràng buộc với HDV, lúc ít việc sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của HDV cũng như doanh thu của doanh nghiệp. Vì thế, cả doanh nghiệp lẫn HDV đều đang e dè khi đứng trước các quy định quản lý, họ cùng xem xét thận trọng để tránh tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” trong khi Luật Du lịch chỉ còn ít ngày nữa là có hiệu lực và du lịch Đất Tổ lại sắp vào mùa lễ hội. 

Nguồn: http://baophutho.vn

0 Bình luận

Loading...