60 năm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

27 Tháng 4, 2022 | Nghiên cứu - Trao đổi

Có thể là hình ảnh về 8 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, là nơi thờ tự các Vua Hùng đã có công dựng nước -Tổ tiên thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.Từ xa xưa, Đền Hùng đã giữ một vị thế quan trọng, là nơi hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc. Nơi đây phát sinh và bảo tồn nhiều loại hình tín ngưỡng qua các thời kỳ lịch sử. Từ tín ngưỡng sơ khai trong buổi bình minh dựng nước (tín ngưỡng thờ thiên thần), đến thời kỳ độc lập tự chủ cùng sự phát triển đan xen các tín ngưỡng mà đỉnh cao tín ngưỡng thờ nhân thần, thờ Tổ của cả nước (các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước). Các thực thể kiến trúc (là các đền, chùa) trên núi nghĩa Lĩnh được các triều đại phong kiến và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi ý chí, tinh thần của cả quốc gia, dân tộc. 

Năm 1962, Di tích lịch sử Đền Hùng được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích, danh thắng hạng A, đợt I cùng 61 di tích khác trong toàn miền Bắc. Năm 2009, Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO ghi danh và công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Có thể là hình ảnh về 2 người, mọi người đang đứng và ngoài trời


Trong suốt 60 năm thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; của các cấp, ngành và sự chỉ đạo của  sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; của các tổ chức, cá nhân và đồng bào trong và ngoài nước trong việc tu bổ, tôn tạo các đền, chùa và các thiết chế văn hóa để Khu Di tích có được diện mạo như hôm nay. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, viên chức, người lao động Khu Di tích đã luôn đoàn kết, nỗ lực cố gắng, phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ: Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa sâu rộng về Đền Hùng, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, phản ánh kịp thời, đầy đủ, đậm nét các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, Trung ương, các tỉnh, thành, kiều bào, khách quốc tế thăm viếng Đền Hùng; tổ chức livestream trực tuyến nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương để kết nối tới người Việt ở nước ngoài hướng tới ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu; phối hợp sản xuất, đăng tải tin bài trên trang thông tin điện tử tỉnh, website các ngành. Hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi để các huyện, thị, thành trong tỉnh tổ chức Lễ dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các cụ cao niên - người dân các xã vùng ven Đền Hùng để làm ông Từ tại Di tích lịch sử Đền Hùng và hướng dẫn cho cộng đồng thực hành nghi lễ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nhằm trao truyền và bảo tồn di sản. Hàng năm có khoảng 10.000 lượt khách trải nghiệm thực tế thực hành nghi lễ dâng hương truyền thống tại Đền Hùng. Thực hiện công tác bảo vệ trật tự, đảm bảo an toàn tài sản tại các đền, chùa và Bảo tàng Hùng Vương; bảo vệ an toàn và phòng, chống cháy tại các khu vực trong phạm vi di tích và rừng Quốc gia Đền Hùng. Triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh nhằm bổ sung tư liệu khoa học về Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu về Đền Hùng, thời đại Hùng Vương và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho đồng bào, du khách trong nước và khách quốc tế; xây dựng và thực hiện Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để di sản mãi trường tồn và giữ vững danh hiệu mà UNESCO đã vinh danh.



Có thể là hình ảnh về 6 người, mọi người đang đứng và ngoài trời



Thực hiện hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo không gian thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Di tích lịch sử Đền Hùng bằng nguồn ngân sách Nhà nước cấp và nguồn công đức, xã hội hóa… Hiện nay, nhiều công trình như: Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu Di tích lịch sử Đền Hùng giai đoạn 2016-2020; dự án hoàn thiện tu bổ, tôn tạo cảnh quan trung tâm lễ hội; cải tạo hệ thống đường bậc từ đền Thượng qua cầu Tiên Dung xuống đền Giếng; mở mới và cải tạo một số tuyến đường dạo nội bộ trong Khu di tích; cải tạo, chỉnh trang cảnh quan xung quanh khu vực hồ Mai An Tiêm; cầu đi bộ Mai An Tiêm; cải tạo các ki ốt ven hồ Mai An Tiêm thành nơi nghỉ chân; lắp đặt hệ thống cột cờ tại cổng trung tâm lễ hội; trùng tu, tôn tạo tại các đền, chùa trong Khu di tích; cải tạo, chỉnh trang cảnh quan khu vực ngã 5 đền Giếng; lắp đặt hệ thống chiếu sáng tại Đền Hùng; cải tạo nhà Đại đoàn kết; hệ thống chiếu sáng tuyến đường số 1 và quốc lộ 32C… đã được triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới và thuận tiện cho du khách đến thăm viếng Đền Hùng. 




Có thể là hình ảnh về hồ


Bên cạnh đó, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ du lịch phục vụ đồng bào và du khách khi về thăm viếng Đền Hùng, góp phần ổn định trật tự và tạo môi trường kinh doanh dịch vụ, du lịch văn minh trong khu vực di tích; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trong di tích, quản lý bảo vệ chăm sóc và tu bổ rừng Quốc gia Đền Hùng và các khuôn viên, vườn hoa cây cảnh nhằm giữ gìn và tạo môi trường di tích luôn xanh, sạch, đẹp. Tháng 10/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2260/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh các phân khu chức năng của quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 nhằm đưa Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trở thành Khu du lịch trọng điểm quốc gia. Việc điều chỉnh quy hoạch và công nhận Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, quảng bá sâu rộng hơn nữa đến đồng bào và du khách quốc tế về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đây, Đền Hùng không chỉ là nơi thực hành “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” cao nhất cả nước, đồng thời có thể phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch bền vững thu hút khách tham quan trong và ngoài nước về với Phú Thọ, nhằm nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân địa phương và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với những nỗ lực đó, trong nhiều năm qua, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã được UBND tỉnh và các bộ, ban, ngành tặng Bằng khen; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc… Đó là  những phần thưởng cao quý, sự đánh giá và ghi nhận của Đảng, Nhà nước dành cho tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức và người lao động Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã, đang nỗ lực, tâm huyết, thực hiện tốt nhiệm vụ trông coi, gìn giữ Lăng miếu Tổ tiên; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa để Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn trường tồn và Đền Hùng là điểm đến không thể thiếu đối với mỗi người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Lê Trường Giang

Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng

(Nguồn: Báo Phú Thọ)

0 Bình luận

Loading...