Điểm đến ngã ba Hạc

31 Tháng 3, 2023 | Nghiên cứu - Trao đổi

Phường Bạch Hạc nằm ở phía Đông Nam thành phố Việt Trì, là nơi phát tích của truyền thuyết Hùng Vương dựng nước và giữ nước. Đây cũng là nơi hợp lưu của ba dòng sông: Sông Đà, sông Lô, sông Hồng nên còn được gọi là ngã ba Hạc. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, phường Bạch Hạc được UBND tỉnh lựa chọn xây dựng thành điểm đến du lịch cộng đồng, văn hóa tâm linh và trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Nghi lễ rước nước ngã ba sông của nhân dân làng Mộ Chu Hạ, phường Bạch Hạc.
Phường Bạch Hạc hiện có 2.406 hộ với gần 8.000 người sinh sống, được phân bổ thành sáu khu hành chính. Từ lâu, Bạch Hạc là phường có thế mạnh nhất thành phố về vận tải thủy. 60% người dân Bạch Hạc sống chủ yếu dựa vào sông nước như: Vận chuyển hàng hóa, đánh bắt thủy sản, dịch vụ sửa chữa tàu thuyền… còn lại là làm nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ nhỏ, lẻ và làm tại các nhà máy thuộc Cụm công nghiệp Bạch Hạc. Những hộ dân làm nông nghiệp tập trung chủ yếu vào việc trồng lúa, trồng hoa mầu và nuôi thủy sản. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp, cơ sở hạ tầng ở đây từng bước được cải thiện. 6/6 khu dân cư đã có nhà văn hóa, sân luyện tập và thi đấu thể thao, điện chiếu sáng đô thị. Hệ thống giao thông đô thị được đầu tư nâng cấp; trạm y tế, các trường học được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.
Chùa Đại Bi thuộc Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Tam Giang và Chùa Đại Bi Bạch Hạc.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND phường Bạch Hạc cho biết: Cùng với những lợi thế về vị trí địa lý, các điều kiện phát triển kinh tế, phường Bạch Hạc còn có sáu di tích lịch sử văn hoá trong đó có một di tích lịch sử cấp Quốc gia: Khu Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đền Tam Giang và chùa Đại Bi, năm di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố. Hàng năm, phường tổ chức các lễ hội như: Lễ hội truyền thống làng Mộ Chu Hạ (mùng 9 - 10 tháng Giêng), lễ hội Đền Quách An Nương (ngày 15/2 âm lịch), lễ hội đền Thượng Thọ (ngày 22/2 âm lịch). Đáng chú ý, vào dịp mùng 10/3 âm lịch hàng năm còn có các hoạt động đêm thơ về bến Hạc, lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô, tế lễ, rước nước ngã ba sông và tổ chức các trò chơi truyền thống như kéo co, chọi gà, bóng chuyền hơi, bóng đá...
Trong đó, lễ hội bơi chải truyền thống của Bạch Hạc từ lâu đã được nhân dân cả nước biết đến. Lễ hội là một hình thức phục hiện có tính nghi lễ và nghệ thuật về việc luyện tập thủy quân, thể hiện tinh thần thượng võ trong truyền thống đánh giặc giữ nước từ thời Hùng Vương. Tương truyền, đời nhà Trần, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, là em vua Trần Thánh Tông được giao nhiệm vụ trấn thủ thành Bạch Hạc đã lấy bãi sông Bạch Hạc làm nơi luyện thủy quân, đóng chiến thuyền. Sau hơn 30 năm xây dựng và trấn giữ tuyến phòng thủ Tam Giang Bạch Hạc, ngài đã lập nhiều chiến công hiển hách, hàng phục chúa đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật bằng ngoại giao hòa bình. Tại Đền Tam Giang, năm 1285, ngài đã cùng Hứa Tông Đạo (một môn khách của nhà Tống) tổ chức hội thề “Diệt giặc Thát báo đền nợ nước, ơn vua”, lãnh đạo quân dân ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Để ghi nhớ công ơn của các tướng lĩnh, lễ hội bơi chải ra đời nhằm ghi lại những chiến công thủy chiến lừng lẫy trên sông Hạc. Ngày nay, lễ hội là một trong những nét văn hóa đặc trưng của phường Bạch Hạc, hàng năm thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan.
Lễ hội bơi chải truyền thống trên sông Lô được tổ chức vào ngày 9/3 âm lịch hàng năm.
Được sự quan tâm của tỉnh và thành phố, Đền Tam Giang phường Bạch Hạc đang là điểm đến trong hành trình du lịch đường sông của khách quốc tế khi về tỉnh. Thực hiện kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, Phường Bạch Hạc cũng đang gấp rút triển khai xây dựng trở thành điểm đến du lịch văn hoá cộng đồng Bạch Hạc, dự kiến tổ chức lễ công nhận vào ngày 15/4 sắp tới. Đây sẽ là điều kiện để phường Bạch Hạc phát huy các tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân...
(Nguồn: Báo Phú Thọ)
0 Bình luận

Loading...