Từ xa, bức tượng danh tướng Trần Nhật Duật hiên ngang nhìn ra ngã ba Bạch Hạc như nhắc nhớ thế hệ hôm nay về một thời đánh giặc giữ nước oai hùng của cha ông. 

Đền Tam Giang nằm gần ngã ba Bạch Hạc, nơi hợp lưu của 3 dòng sông Hồng-Lô-Đà, nên được ví ở vào thế “sơn chầu thủy tụ”. Ngôi đền quay ra sông, nhìn theo hướng Tây Bắc thấy núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng. Với lối kiến trúc kiểu chữ “đinh”, đền gồm hai tòa tiền tế và hậu cung, nội thất chạm trổ tinh tế các bộ tứ quý “long, ly, quy, phượng”, “tùng, cúc, trúc, mai”. Đền hiện vẫn giữ được một chuông đồng có niên đại Minh Mệnh năm thứ 11 và các bài minh chuông quý giá.

Cổng di tích đền Tam Giang. 

Dẫn chúng tôi tham quan di tích, ông Nguyễn Văn Cống, Phó trưởng ban Quản lý di tích đền Tam Giang tự hào cho biết, ngôi đền sơ khởi là một đạo quán được gọi là "Quán Thông Thánh" xuất hiện từ thế kỷ thứ 7. Đền thờ Thổ Lệnh Cao quan Bạch Hạc Đại vương (nhân vật thuộc thời đại Hùng Vương), Thánh mẫu đức sinh Quách A Nương (nữ tướng thời Hai Bà Trưng) và Chiêu Văn vương Tả thánh Thái sư Trần Nhật Duật (danh tướng nhà Trần). Dừng chân trước bức tượng danh tướng Trần Nhật Duật, ông Nguyễn Văn Cống cho biết: “Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, triều đình nhà Trần đã nhiều lần chọn ngã ba Bạch Hạc làm nơi huấn luyện quân sĩ. Vào ngày Tết Thượng nguyên năm Ất Dậu (1285), tướng quân Trần Nhật Duật đã cắt tóc thề với thần linh, tổ tiên nguyện đem hết lòng trung thành để báo ơn vua rồi chỉ huy binh sĩ ra trận, kiên cường, mưu trí ngăn cản bước tiến công và tiêu hao sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng oanh liệt của quân, dân nhà Trần”.

Để tưởng nhớ công ơn các vị tiền nhân, từ năm 2010 đến nay, chính quyền và nhân dân phường Bạch Hạc đã phục dựng Lễ hội Bạch Hạc được tổ chức hai năm một lần vào dịp 10-3 và 25-9 âm lịch. Trong dịp lễ này, người dân Bạch Hạc tổ chức thi nấu cơm nuôi quân, bơi chải truyền thống trên sông Lô, nghi lễ rước nước từ ngã ba sông... Phần lễ trang nghiêm từ nghi thức rước nước đến tế lễ; phần hội vui tươi, ý nghĩa với các trò chơi dân gian tạo sự phấn khởi, đoàn kết trong nhân dân và du khách. Trong đó, lễ rước nước từ ngã ba Bạch Hạc đã trở thành hoạt động đặc sắc. Chia sẻ về nghi lễ này, ông Nguyễn Văn Cống cho biết: “Vào sáng 8-3 âm lịch, thuyền chở đoàn rước đến đúng điểm xoáy nước giao nhau của 3 dòng sông. Nước ở đây một bên nóng, một bên lạnh có thể cảm nhận bằng tay. Người dân nơi đây có lòng tin son sắt đối với nguồn nước này khi xin nước mang về thờ với mong muốn cầu sức khỏe, bình an".

Trải qua biến cố của thời gian, đền Tam Giang nhiều lần được trùng tu, tôn tạo trên nền đền xưa đến nay thành cụm di tích khá hoàn chỉnh. Tự hào khi Phú Thọ có một di tích lịch sử linh thiêng, bà Lê Thị Xuân Hương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Phú Thọ đề xuất: “Chúng tôi mong muốn xây dựng nghi thức rước nước trở thành sản phẩm du lịch tâm linh để phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm của du khách khi dừng chân tại đền Tam Giang trong hành trình hành hương về đất Tổ".

(Nguồn: Báo QĐND)