Phát triển sản phẩm lưu niệm du lịch

31 Tháng 5, 2023 | Nghiên cứu - Trao đổi

Đối với mỗi điểm đến hấp dẫn du khách, ngoài yếu tố tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng, dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, một trong những yếu tố cần đẩy mạnh là sản phẩm quà tặng, lưu niệm du lịch, sản vật đặc trưng. Hội đủ các yếu tố sẽ góp phần nâng tầm giá trị của điểm đến, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đất Tổ - nơi có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú.
Sản phẩm gốm sứ cao cấp với họa tiết thời kỳ Hùng Vương của Công ty CP Thương mại dịch vụ Ngọc Đất Tổ được trưng bày, giới thiệu với du khách về Đền Hùng.
Xây dựng các sản phẩm đặc trưng
Để có một tour du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn dành cho du khách, yếu tố mua sắm quà tặng, sản phẩm lưu niệm, sản vật vùng miền là một thành phần không thể tách rời, là yếu tố kích thích tăng mức chi tiêu của du khách tại điểm du lịch, góp phần tăng doanh thu điểm đến và phát triển kinh tế địa phương. Sản phẩm lưu niệm thường mang đậm bản sắc vùng miền, tôn vinh các giá trị văn hóa, thông qua đó, du khách phần nào thấy được hình ảnh con người, địa phương, bản sắc văn hóa của con người nơi tạo ra sản phẩm. Phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa sẽ tạo nét riêng, định vị điểm đến cho du lịch từng địa phương.
Để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ, năm 2018, Trường Đại học Hùng Vương đã tiến hành triển khai Dự án “Sản xuất thử nghiệm một số sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương phục vụ phát triển du lịch trên quê hương Đất Tổ”. Các biểu tượng đặc trưng của văn hóa Hùng Vương được thể hiện trên các sản phẩm: Bình gốm, cốc sứ, đĩa, đồ trang sức vàng, bạc, truyện tranh, khăn lụa…
Trong quá trình triển khai dự án, Công ty CP Đầu tư và Du lịch Đất Việt Xanh đã sản xuất sản phẩm khăn lụa “Hơi ấm Mẹ Âu Cơ” với họa tiết văn hóa Hùng Vương đã được du khách đón nhận; Công ty CP Thương mại dịch vụ Ngọc Đất Tổ thuộc Công ty CP Tập đoàn Cát Vàng nhận chuyển giao một số mẫu thiết kế sản phẩm lưu niệm từ nhóm Dự án để đưa vào sản xuất. Các sản phẩm lưu niệm được tạo ra từ chất liệu gốm sứ cao cấp mang đậm nét văn hoá Hùng Vương thông qua các biểu tượng: Con Rồng cháu Tiên, cổng Đền Hùng, hạt thóc thần, truyền thuyết Lang Liêu, giếng Ngọc, Hát Xoan, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, bánh chưng, bánh giầy. Bên cạnh đó, các sản phẩm lưu niệm trống đồng, tượng Lạc Long Quân, Tổ Mẫu Âu Cơ… mạ vàng của Hoàng Phúc Luxury cũng là những sản phẩm lưu niệm du lịch mang đặc trưng văn hoá vùng Đất Tổ, được du khách đón nhận.
Hiện nay, bên cạnh các sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa vùng Đất Tổ, các sản phẩm OCOP, sản vật đặc trưng đóng vai trò quan trọng, chiếm thị phần lớn trong thị trường quà tặng của khách du lịch. Trong hơn 100 sản phẩm OCOP, Phú Thọ đã có một sản phẩm OCOP năm sao cấp quốc gia là sản phẩm Trà đinh cao cấp Hoài Trung của Công ty TNHH Chè Hoài Trung. Nhiều sản phẩm OCOP được khách du lịch lựa chọn làm quà như: Trà đinh đặc sản, trà xanh Bát Tiên của HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc, thịt chua ống nứa Trường Foods, mì gạo Hùng Lô, mì rau củ của HTX Thực phẩm xanh, chè xanh đặc sản Phú Hộ, khay, bình thủ công mỹ nghệ của HTX sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, bưởi Sửu, hồng không hạt Gia Thanh… Nhiều sản phẩm OCOP có bao bì, đóng gói mẫu mã đẹp mắt, chất lượng, giá cả hợp lý, được du khách ưa chuộng và tìm mua.
Sản phẩm OCOP năm sao “Trà đinh cao cấp Hoài Trung” của Công ty TNHH Chè Hoài Trung là một trong những lựa chọn quà tặng của du khách khi về Đất Tổ.
Mở rộng mạng lưới dịch vụ mua sắm
Một trong những thành tố làm nên sức hấp dẫn cho các điểm đến, góp phần không nhỏ vào doanh thu du lịch chính là phát triển dịch vụ mua sắm cho khách du lịch, trong đó có các sản phẩm quà tặng, lưu niệm, sản vật đặc trưng, sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, ở tỉnh ta, mức chi phí này chỉ chiếm khoảng 10% so với giá tour, trong khi ở những nơi du lịch phát triển, chi tiêu cho mua sắm ít nhất bằng nửa giá tour trở lên, có những nơi, chi phí mua sắm, chi tiêu cao hơn giá tour. Các sản phẩm lưu niệm du lịch, quà tặng, sản vật địa phương của Phú Thọ cũng còn có những hạn chế, chưa thu hút khách du lịch giống như thực trạng chung của du lịch Việt Nam là việc phát triển các sản phẩm quà tặng, lưu niệm vẫn còn tình trạng trùng lặp, đơn điệu, chưa thể hiện nét riêng về vùng đất, con người. Một số sản phẩm chưa đảm bảo sự tối ưu về chất lượng, kích cỡ để du khách, nhất là du khách nước ngoài thuận tiện trong vận chuyển, bảo quản lâu dài.
Để đưa những sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sản vật đặc trưng của tỉnh đến với du khách nhiều hơn đồng thời tăng mức chi mua sắm của khách du lịch, theo Trưởng phòng Quản lý du lịch- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phùng Thị Hoa Lê, trước tiên cần tăng cường sự chỉ đạo của các cấp, các ngành về khuyến khích sản xuất sản phẩm lưu niệm ưu tiên dựa vào các làng nghề, sản vật, sản phẩm đặc trưng của tỉnh, tập trung hướng dẫn các khu, điểm du lịch khi trưng bày, giới thiệu sản phẩm quà tặng ưu tiên các sản phẩm OCOP, sản vật đặc trưng của tỉnh cho du khách dễ tìm kiếm và mua sắm. Đẩy mạnh truyền thông có trọng tâm, trọng điểm về giá trị, nét đặc sắc của các sản phẩm của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trung tâm giới thiệu tập trung sản phẩm lưu niệm, quà tặng, sản vật đặc trưng của tỉnh tại các khu, điểm du lịch và hướng dẫn các cơ sở dịch vụ du lịch cam kết liên kết với các cơ sở sản xuất để đưa sản phẩm đặc trưng vào phục vụ, giới thiệu các món ăn đặc trưng, tăng tính hấp dẫn cho ẩm thực Phú Thọ. Tăng cường các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với sản phẩm lưu niệm du lịch cho du khách trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, thông qua các cuộc thi về thiết kế sản phẩm du lịch, bao bì quà tặng cũng sẽ là những gợi ý hay, tạo hiệu ứng tích cực để có được những sản phẩm lưu niệm, quà tặng hấp dẫn, góp phần hoàn thiện, nâng tầm giá trị sản phẩm du lịch Phú Thọ.
(Nguồn: Báo Phú Thọ)
0 Bình luận

Loading...