Tinh hoa ẩm thực Đất Tổ

18 Tháng 12, 2023 | Nghiên cứu - Trao đổi

Vùng đất của kinh đô Văn Lang xưa gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước, Phú Thọ có vốn văn hóa ẩm thực độc đáo, đa dạng và mang đậm bản sắc vùng Đất Tổ. Theo năm tháng, những món ăn dân dã, mộc mạc lắng đọng từ trong huyền thoại, truyền thuyết đến đời sống thường nhật của người dân vùng trung du đã thăng hoa, lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một phần trong nếp sống sinh hoạt và văn hóa đặc trưng của xứ sở miền đất di sản.

Ẩm thực Phú Thọ đã và đang được giới thiệu, quảng bá gắn với phát triển du lịch về với cội nguồn.

Đặc sản đất cội nguồn

Về xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê địa danh nổi tiếng với làng nghề bánh chưng truyền thống những ngày cuối năm, hương thơm của gạo hoà vào vị thơm lá dong lan tỏa từng đường quê, ngõ xóm. Ở Phú Thọ, khi nói đến bánh chưng, người ta nghĩ ngay đến làng nghề bánh chưng Cát Trù, huyện Cẩm Khê với hương vị đậm đà làm theo phương pháp cổ truyền vẫn được người dân duy trì, gìn giữ như một bảo vật vô giá. Không phải ngẫu nhiên bánh chưng Đất Tổ là một trong ba món ẩm thực của Phú Thọ được chứng nhận món ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I - 2022, thuộc Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu Quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”.

Bà Nguyễn Thị Minh Ảnh ở khu Phú Cát, là đời thứ ba nối nghiệp làm bánh chưng gia truyền Cát Trù chia sẻ: “Thương hiệu, bánh chưng Đất Tổ lắng đọng, kết tinh cả một chiều dài lịch sử, qua hình ảnh hoàng tử Lang Liêu gói bánh dâng Vua cha. Hàng năm, Làng nghề bánh chưng Cát Trù không chỉ làm ra những chiếc bánh chưng ngon nức tiếng mà còn được chọn làm lễ vật mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương. Cứ như vậy từ đời này sang đời khác, đối với người dân Cát Trù làm bánh chưng không chỉ là nghề mưu sinh mà quan trọng hơn là niềm tự hào về một nghề truyền thống gắn liền với sự tích “Bánh chưng, bánh giầy” vùng Đất Tổ.

Nghề làm bánh chưng huyện Cẩm Khê được chứng nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.

Sinh sống quần tụ bên triền sông Thao, sông Lô hiền hòa, cư dân Phú Thọ từ bao đời đã làm nên vốn ẩm thực đậm đà, riêng có của vùng quê trung du. Những món ăn truyền thống được tạo bởi chính bàn tay của người nông dân chân chất mà mộc mạc nghĩa tình, với những nguyên liệu từ gạo nếp, gạo tẻ như: Bánh chưng, bánh giầy, bánh tẻ, bánh đúc, chè lam...

Đây đều là những thức bánh được người dân chế biến với một sự thành kính để dâng lên tổ tiên vào các dịp lễ, Tết. Đặc biệt, chiếc bánh chưng vuông vắn, bánh giầy tròn dẹt tượng trưng cho đất, trời được Hoàng tử Lang Liêu tài trí, tinh tế sáng tạo ra từ những nguyên liệu truyền thống được xem như một di sản ẩm thực trao truyền của cha ông ta.

Từ nhiều thế kỷ trước, người Mường về định cư ở các huyện miền núi Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập của vùng Trung du Đất Tổ. Nói đến đặc trưng ẩm thực cũng như trong lao động sản xuất của đồng bào mình, người Mường vẫn có câu: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới”, đối với đồng bào dân tộc Mường công việc chính là nông nghiệp nên các món cơm nếp đồ, rau đồ là thứ không thể thiếu.

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai ở xã Xuân An, huyện Yên Lập chia sẻ: “Được thiên nhiên ưu đãi và hệ động thực vật phong phú, tạo cơ sở cho sự ra đời của rất nhiều sản vật ngon, hiếm mà không phải nơi nào cũng có được, món ăn của đồng bào Mường thường được chế biến từ những sản vật sẵn có, qua đôi bàn tay khéo léo của người dân trở thành đặc sản mang hương vị đặc trưng của núi rừng như: Xôi ngũ sắc, thịt chua, gà om măng, rêu đá, rau xôi... hội tụ được những giá trị truyền thống nhưng vẫn phù hợp với xu hướng ẩm thực hiện đại”.

Tự hào với hình ảnh ẩm thực Đất Tổ ngày càng được lan tỏa, đồng chí Nguyễn Đức Hòa - Phó Chủ tịch Hội văn hóa ẩm thực tỉnh cho biết: “Tháng 11 vừa qua, Du lịch Phú Thọ tham gia Liên hoan Làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2023, được tổ chức tại tỉnh Hòa Bình, các nghệ nhân ẩm thực của huyện Tân Sơn đã mang theo đồ nghề, nguyên liệu để trực tiếp chế biến, giới thiệu với công chúng những món ăn đặc sản của núi rừng Xuân Sơn. Rất nhiều du khách trầm trồ thích thú khi được thưởng thức và nghe chúng tôi kể chuyện nguồn gốc, ý nghĩa các món ăn...”.

Mỗi một miền quê của Phú Thọ đều có những món ăn truyền thống, mang đặc trưng, tất cả đã làm nên một kho tàng văn hóa ẩm thực của vùng đất cội nguồn vừa đa dạng, độc đáo, vừa có sức sống vượt thời gian. Không chiếm số lượng lớn như dân tộc Kinh, Mường nhưng đồng bào Dao, Cao Lan cũng có những món ăn riêng, độc đáo như: Nộm nâu, gà nhiều cựa, món bánh chim, quả trám ... góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng cho văn hóa ẩm thực vùng đất cội nguồn. Trong đó, gà nhiều cựa là lễ vật quý hiếm mang đặc trưng của vùng đất trung du xuất hiện từ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh với sự kiện Vua Hùng kén rể. Bước ra khỏi truyền thuyết, hiện nay giống gà này vẫn được đồng bào dân tộc Dao tại vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn nuôi dưỡng và phát triển, chúng được sùng kính gọi là “Gà Chúa” và trở thành đặc sản vùng Đất Tổ.

Bưởi Đoan Hùng là đặc sản nổi danh cả nước.

Nâng tầm du lịch ẩm thực

Đất Tổ sở hữu kho tàng di sản văn hóa vô giá với những đình, đền, chùa cổ kính, thâm nghiêm, trong đó có hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.

Về Phú Thọ, du khách không chỉ được tham quan, chiêm ngưỡng những di tích lịch sử lâu đời gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước mà còn được thưởng thức những hương vị đậm đà, hấp dẫn của “ẩm thực đất cội nguồn" tại các tuyến phố ẩm thực Tiên Dung, Nguyễn Du... của thành phố Việt Trì với hàng trăm nhà hàng lớn nhỏ, không gian độc đáo, ấm cúng.

Nhiều đơn vị kinh doanh ẩm thực, dịch vụ du lịch đã đưa ẩm thực Đất Tổ vào nhà hàng, dưới bàn tay khéo léo, tài hoa của người đầu bếp để tạo nên những món ăn độc đáo, hấp dẫn mà chỉ có thể thưởng thức ở vùng đất ngã ba sông mang đến trải nghiệm trọn vẹn cho du khách.

Sự phong phú, tinh tế của ẩm thực Phú Thọ còn được thể hiện thông qua những món ăn được chế biến cầu kỳ, phù hợp với từng sự kiện, mục đích sử dụng. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã xếp ẩm thực Đất Tổ vào ba nhóm bao gồm: Món ăn gắn với lễ hội, văn hóa tâm linh; đặc sản của vùng và món ăn thường ngày của người dân. Món ăn gắn với lễ hội, tâm linh thường là các loại bánh được làm trong dịp cuối năm, hội làng hoặc dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

Những món đặc sản thường là những món truyền thống được truyền và gìn giữ từ đời này qua đời khác ở một địa phương, vùng, không lẫn với bất cứ nơi nào, mỗi khi nhắc đến, người ta đều trầm trồ với vị ngon và sự nổi tiếng khắp cả nước...

Từ trong cuộc sống lao động, những món ăn đặc trưng gắn bó sâu nặng với mâm cơm dân dã của người dân trung du như: Rau sắn muối chua nấu với tép đồng, quả cọ ỏm bùi bùi ở giữa mùa Đông, cá kho trám, chuối xáo, cơm nắm lá cọ... Mùa nào thức ấy, mỗi mùa lại có một món ăn riêng, chẳng bao giờ hết.

Anh Đặng Xuân Trung - du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Mỗi lần đến Phú Thọ đều cho tôi những trải nghiệm mới và đặc biệt ẩm thực Đất Tổ để lại nhiều ấn tượng khó quên. Bằng các cách thức chế biến “gia truyền” của người dân bản địa, các món ăn đều có hương vị rất riêng không nơi nào có được như: Thịt chua ống nứa, gà nhiều cựa, lợn mán thả đồi, vịt - cá suối nướng, canh rau sắn,...”.

Ẩm thực và văn hóa của đồng bào Mường, huyện Tân Sơn được giới thiệu trong Liên hoan Làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2023.

Ẩm thực đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu trải nghiệm về văn hóa, vùng đất và con người Đất Tổ, tạo sức hấp dẫn, định vị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến để thu hút du khách. Với niềm tự hào về ẩm thực, Phú Thọ đã và đang phát triển cũng như thực hiện việc bảo tồn các giá trị văn hóa ẩm thực gắn với phát triển du lịch về với cội nguồn. Đồng thời, ngành du lịch tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP, những món ăn đặc sản và nghiên cứu nâng tầm giá trị, sáng tạo mẫu mã sản phẩm phong phú để đưa ẩm thực Đất Tổ đến với thực khách trong và ngoài nước.

Nhiều đặc sản truyền thống đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP đã xuất hiện tại các thị trường trong và ngoài nước như: Mỳ gạo Hùng Lô của HTX Mỳ gạo Hùng Lô, thành phố Việt Trì; thịt chua của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Trường Foods; măng trúc tự nhiên của Công ty TNHH XNK nông lâm sản Trường Đạt, huyện Hạ Hòa; bưởi Bằng Luân của HTX dịch vụ sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản xã Bằng Luân, xã Bằng Luân; bưởi Sửu Chí Đám của HTX Sản xuất và kinh doanh bưởi Chí Đám, huyện Đoan Hùng...

Lắng đọng chiều dài lịch sử, kết tinh từ truyền thuyết, huyền thoại kết hợp hài hòa với cuộc sống hiện đại, tinh hoa ẩm thực Đất Tổ đã và mãi là di sản độc đáo, niềm tự hào của cư dân đất cội nguồn, thế mạnh hấp dẫn, thu hút du khách thập phương.

(Nguồn: Báo Phú Thọ)

0 Bình luận

Loading...