Những người giữ nghề truyền thống ở Đỗ Xuyên

27 Tháng 10, 2021 | Giới thiệu - Quảng bá

Nằm cách trung tâm huyện khoảng 10 km, nép mình bên dòng sông Hồng hiền hòa, quanh năm phù sa bồi đắp, Đỗ Xuyên nổi tiếng với nghề đan lát truyền thống. Không ai nhớ nghề đan lát xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng đó là nghề mưu sinh giúp người nông dân vượt qua bao mùa mưa lũ. Để nâng cao thương hiệu của làng nghề, năm 2003 xã đã phối hợp với Công ty THHH Hòn Ngọc Viễn Đông (Hà Nội) thành lập nên Hợp tác xã sản xuất thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên thu hút hàng chục lao động tại địa phương với đủ mọi lứa tuổi,  thu nhập từ 4 – 4,5 triệu đồng/tháng

.

Các sản phẩm bao gồm đĩa, khay lọ, mâm, gương, các loại đồ lưu niệm, trang trí... thủ công đa dạng chủng loại, mẫu mã với ưu điểm nhẹ, bền, đẹp. Sự độc đáo của các sản phẩm làng nghề là sự kết hợp của yếu tố truyền thống cùng những nét đẹp của xu thế hiện đại.

Ngày nay, sản phẩm đan lát Đỗ Xuyên đã từng bước vươn mình ra “biển lớn” đến nhiều quốc gia châu Âu, khối Asean, Trung Quốc, Singapore... Các sản phẩm từ tre nứa bình dị nhưng tinh xảo, độc đáo từ những nghệ nhân lành nghề của HTX được khách hàng trong và ngoài nước ưa thích.

 

 

Thừa hưởng “lửa nghề” từ ông cha, gắn bó với tre, nứa từ khi còn rất nhỏ, chứng kiến biết bao thăng trầm đổi thay của làng nghề, bà Nguyễn Thị Hoa (60 tuổi, khu 5, xã Đỗ Xuyên) – Chủ nhiệm HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ từ tre, nứa Đỗ Xuyên đã dành cả cuộc đời để giữ nghề truyền thống. Bà Hoa cho biết: Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý mối mọt, đến chế tác sản phẩm rồi trang trí bằng khảm trai, khảm vỏ trứng... Công nghệ phát triển, sử dụng máy móc nhiều hơn so với nghề đan cót khi xưa nhưng những sản phẩm của HTX chủ yếu vẫn làm thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo trong từng chi tiết.

 

Lớn lên cùng tre, nứa, từ bé chị Nguyễn Thị Tuyết (44 tuổi, khu 5, xã Đỗ Xuyên) luôn mang trong mình tình yêu và tâm huyết với nghề. “Bén duyên” với sơn mài 5 năm nay, tưởng chừng như những khó khăn đã khiến chị chùn bước nhưng tình yêu với nghề vẫn níu chân chị lại.

Càng làm càng quen, càng thấy gắn bó hơn với công việc. Bởi gắn bó với nghề đan cót truyền thống từ nhỏ nên những công đoạn  từ sơn, mài đến chắp, dán chị đều làm thành thạo và có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, tăng độ bền và độ chính xác của sản phẩm.

Cơ chế thị trường đã và đang đặt ra cho các làng nghề truyền thống không ít khó khăn, thách thức. Bởi vậy, hơn ai hết vai trò của những người “giữ lửa” ngày càng quan trọng. Bằng tình yêu, tâm huyết đối với nghề của ông cha để lại, tin rằng những người thợ nơi đây sẽ làm tốt vai trò người kế nghiệp, giữ mãi “lửa nghề” cho hôm nay và mai sau để làng nghề ngày càng phát triển và khẳng định được thương hiệu trên thị trường.

(Nguồn: http://baophutho.vn/)

0 Bình luận

Loading...