Đổi thay trên đất chiến khu

20 Tháng 8, 2021 | Giới thiệu - Quảng bá

Theo dấu xưa, chúng tôi về thăm lại những chiến khu trên mảnh đất Hạ Hòa - nơi mà cách đây 76 năm, nhân dân các vùng Chiến khu đã đồng sức, đồng lòng, hướng theo tiếng gọi của Mặt trận Việt Minh, vùng lên khởi nghĩa, giành chính quyền trong cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử…

Từ chủ trương phát triển chiến tranh du kích tại hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ, tháng 5/1945, Chiến khu Vần được thành lập tại xã Hiền Lương – nơi có đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Chiến khu Vần là một trong bảy chiến khu quan trọng của cả nước, kết nối liên lạc giữa các Chiến khu, là “bàn đạp” cho cuộc tổng khởi nghĩa.



Mảnh đất Hiền Lương ngày nay – Chiến khu Vần anh hùng năm xưa.
 
Bia di tích ghi lại sự kiện lịch sử ngày 2/8/1945, lực lượng vũ trang của đội du kích Âu Cơ và nhân dân đã phân chia thành các tổ chặn đường tấn công của Nhật, tước khí giới, giành lại chính quyền.
 
Đầm Vân Hội – nơi ghi dấu chiến công phá kho thóc Nhật, giải quyết nạn đói cho dân của đội du kích Âu Cơ vào ngày 13/6/1945.
 
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, diện mạo vùng đất chiến khu xưa đã có nhiều thay đổi với những khởi sắc đáng mừng, tháng 12/2015, Hiền Lương đạt chuẩn xã nông thôn mới, đến nay kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống của người dân được nâng cao.
 

Cùng với Chiến khu Vần – Hiền Lương, do vị trí đồi núi hiểm trở, các xã Đại Phạm, Ấm Hạ... đã được Trung ương chọn làm Chiến khu 10 vào ngày 1/3/1947. Tại đây, lực lượng của ta đã tiến hành các mũi tấn công địch tại Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang... 


 
Bia đá ghi lại nơi đầu tiên đón nhận ban lãnh đạo chiến khu – nhà thờ họ Dương tại xã Đại Phạm. Cũng là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ các đồng chí cán bộ Mặt trận Việt Minh khi bị địch truy lùng ráo riết.


Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, Đại Phạm đã phấn đấu giành được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Cuộc sống của người dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Trên địa bàn hiện có 147 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ phát triển đủ các ngành nghề: dịch vụ vận tải, ăn uống, tạp hóa... phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương và vùng lân cận.


 
Diện tích rừng hiện có 1.397 ha, trong đó 86 ha là rừng trồng mới. Công tác chăm sóc, bảo vệ và quản lý rừng được thực hiện tốt. 


Đến năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, Đoàn Đảng Cộng sản Đông Dương đã rút vào hoạt động bí mật. Khi ấy, quân và dân hai nước Việt, Lào đã đoàn kết cùng nhau quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. 

 

 
Đền Chu Hưng thuộc xã Ấm Hạ – nơi ra đời đội vũ trang đầu tiên Quân đội Nhân dân Lào tên là Lát – Xạ – Vông do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản lãnh đạo.


 
Đoàn Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Lào thăm đền Chu Hưng, nơi thành lập đội vũ trang đầu tiên của Quân đội Nhân dân Lào (Ảnh chụp tháng 8/2017).


 
Nhà truyền thống – nơi cất giữ những tấm hình tư liệu của Chiến khu 10 và đội vũ trang Lát – Xạ – Vông năm xưa.
  
Xã Ấm Hạ - một phần quan trọng của Chiến khu 10 năm xưa đã khoác lên mình những sắc màu tươi sáng. Tháng 1/2019 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Làng nghề chế biến lâm sản phát triển với 53 cơ sở sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho bà con.


 

(Nguồn: baophutho.vn)

0 Bình luận

Loading...