Làng Dòng văn hiến

20 Tháng 8, 2021 | Giới thiệu - Quảng bá


Chùa Phổ Quang tọa lạc tại xóm Chùa, được xây dựng từ thế kỷ thứ XIV. Chùa hiện vẫn bảo quản vẹn nguyên những nét độc đáo trong kiến trúc thời Trần. 




Tam quan – gác chuông là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa. Với hệ mái chồng diêm – 2 tầng 8 mái, đao cong thanh thoát, bờ nóc đắp hình long cuốn thủy, các đầu được chạm khắc hình hoa sen. Quả chuông đồng “Phổ Quang tự chung” và khánh đồng đều được đúc vào năm Minh Mạng nhị thập niên – năm 1839. 



Nghệ thuật kiến trúc đáng chú ý nhất chùa Phổ Quang là bệ đá hoa sen có niên đại 700 năm tuổi, được tạc vào Xương Phù năm thứ 10 – năm 1388 dưới triều vua Trần Phế Đế. Bệ đá hình hộp chữ nhật, cao 1,05m; rộng 1,25m; dài 3,30m, được kiến tạo từ 71 phiến đá xanh ghép lại với nhau. Cánh sen được cách điệu là đề tài chủ yếu, chiếm vị trí chủ đạo trong nghệ thuật chạm khắc bệ đá vô cùng độc đáo này. Bốn góc bệ đá ở tầng thứ ba có bốn linh điểu vững chãi. Mặt hình nhân, trán khắc chữ “Vương”, dưới ngực có đề lá cách điệu, chân thắt hoa. Bệ đá hoa sen là tác phẩm có giá trị nghệ thuật sâu sắc, hiếm hoi còn lại của thời Trần – thời đại hào hùng trong lịch sử dân tộc. 
 




Kế bên chùa Phổ Quang là Đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc. Nơi đây thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc – nhân vật lịch sử có vị trí và vai trò quan trọng trong xã hội Đại Việt thế kỷ XVI. Một lòng phù Lê, diệt Mạc, đến khi gặp nạn, Nguyễn Mẫn Đốc biết mình không thể thoát, để giữ trọn tiết khí đã hướng về lăng vua Lê Thái Tổ bái lạy, rồi tự vẫn khi mới 31 tuổi. 
 

Đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc có niên đại xây dựng vào thời Hậu Lê, cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Ngôi đền có diện tích 381m², xung quanh đền là tường bao xây bằng đá ong và gạch chỉ, cổng xây trụ vuông đơn giản, trên đỉnh gắn đôi nghê chầu với hai cây đại cổ thụ ở sân. Kiến trúc của đền được kết cấu kiểu chữ nhị, gồm hai tòa Tiền tế và Hậu cung, mái lợp ngói mũi hài, các cấu kiện gỗ trên bộ khung được bào trơn, bào soi, đóng bén chắc khỏe. Đền thờ bảo lưu được đặc trưng của kiểu kiến trúc cổ với đầu đao cong vút hay tường hồi bít đốc...
 

Phía trước đền thờ là hồ hình bán nguyệt và bức chấn phong bằng đá ghi thân thế, sự nghiệp, công trạng của ông. Hằng năm, cứ vào ngày 22 tháng Hai âm lịch, con cháu dòng họ cùng nhân dân xã Xuân Lũng lại tổ chức tế lễ tưởng nhớ, tri ân công lao, đóng góp to lớn của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc. 




Đình Cả có niên đại từ thời Vua Hùng. Nơi đây thờ hai vị thành hoàng làng là Cao Sơn và Quý Minh đại vương, tương truyền đây là các bậc tối linh đã giúp Vua Hùng thứ XVIII diệt giặc ngoại xâm. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, Đình Cả nay đã được phục dựng trên nền đất cũ, trở thành nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dân làng. 



Nhà thờ họ Nguyễn Ba Ngành thuộc thôn Vạn Phúc, là nơi thờ các vị tổ của họ Nguyễn Ba Ngành, một trong những dòng họ lớn có công khai phá và xây dựng làng Dòng khi xưa. Đặc biệt, trong đó có nhà khoa bảng nổi tiếng, một trong các vị tiến sĩ huyện Sơn Vi thời Lê – Mạc là Nguyễn Chính Tuân. 
 


Nhà thờ họ Nguyễn Ba Ngành được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, năm 1881, sau đó bị hư hỏng và được phục dựng vào năm 1997 như hiện nay với kiến trúc kiểu chữ Nhị với hai tòa Tiền tế và Hậu cung. Tòa hậu cung bài trí ban thờ, chính giữa thờ vị thủy tổ dòng họ Nguyễn Ba Ngành – Nguyễn Tiến Đức và con trưởng Nguyễn Duy Tín, bên trái thờ cụ Nguyễn Chính Tuân, bên phải thờ cụ Nguyễn Duy Thường. 

 

 
 

Vốn là mảnh đất có truyền thống hiếu học với nhiều người đỗ Đại khoa cùng nhiều cử nhân, danh sĩ khác. Người dân làng Dòng xưa đã xây nhà văn chỉ cách đây hơn 500 năm để lưu lại cho hậu thế những tấm gương có học vấn uyên thâm, đỗ đạt. Tuy nhiên, trong thời kỳ cải cách ruộng đất, nhiều bia đá cổ của làng Dòng đã bị đập đem nung vôi. 


Năm 2010, Văn chỉ làng Dòng được khôi phục lại. Nhà bia mới đã được tạo dựng trên địa điểm mới thoáng đãng, có tòa chính đường, trong ngoài có hành lang, lợp ngói, sàn lát đá hoa, xung quanh là rào sắt kiên cố. Ba tấm bia cổ là Cấu tác Từ vũ bi, Trùng thuyên bi ký và Tu tác Từ chỉ bi đã được phục chế nguyên dạng và đưa về đặt tại Văn chỉ làng. Những tấm bia cổ ghi danh 205 người đỗ đạt đủ các thứ bậc cao, thấp trong đó có bốn Đại khoa, 21 Trung khoa, 12 nho sinh và 8 quan chức. 

 

 

(Nguồn: baophutho.vn)
 

0 Bình luận

Loading...