Ngành Văn hóa Phú Thọ 75 năm xây dựng và phát triển

27 Tháng 8, 2020 | Nghiên cứu - Trao đổi

1-97

Cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh, ngành VH-TT&DL đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vùng Đất Tổ.
- Biểu diễn Hát Xoan ở đình cổ Hùng Lô, thành phố Việt Trì.

Theo tuyên cáo ngày 28/8/1945 của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong nội các quốc gia, Bộ Thông tin Tuyên truyền được thành lập (sau đó ngày 1/1/1946 đổi tên là Bộ Tuyên truyền và Cổ động) - tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) ngày nay.

Từ đó, ngày 28/8 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Văn hóa. 75 năm hình thành và phát triển, thành tựu của ngành Văn hóa nói chung VH,TT&DL Phú Thọ nói riêng luôn gắn chặt với những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Ngày 24/11/1946, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất, Hồ Chủ tịch đã nêu luận điểm về văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Đây cũng chính là kim chỉ nam xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. 

Năm 1997 đến nay, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được ban hành, mở ra một thời kỳ mới cho sự nghiệp văn hóa. 

2-68

Qua nhiều lần hợp nhất và chia tách, thay đổi tên gọi (Văn hóa - Thông tin, Văn hóa - Thông tin và Thể thao; Văn hóa, Thể thao và Du lịch…) để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử và chức năng nhiệm vụ được giao, ngành Văn hóa Phú Thọ đã góp phần quan trọng xây dựng đời sống, nếp sống văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục khẳng định văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, sự tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp của các cấp, các ngành, sự đồng thuận ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, ngành VH,TT&DL Phú Thọ đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ngành đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tiếp tục đưa sự nghiệp VH,TT&DL ngày càng phát triển. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã phát huy được vai trò của văn hóa đối với xây dựng nông thôn mới, huy động được nhiều nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao góp phần thay đổi diện mạo xã, phường, thị trấn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. 

3-55

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư xây dựng, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng, đạt được nhiều thành tựu: Hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, “Hát Xoan Phú Thọ”; 4 bảo vật Quốc gia; 10 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; 318 di tích được nhà nước xếp hạng; hàng vạn hiện vật có giá trị được bảo quản, trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã đạt được những kết quả quan trọng, các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, các phong tục tập quán tốt đẹp và chuẩn mực đạo đức được kế thừa và phát huy. Toàn tỉnh có 88% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 87,3% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; 100% khu dân cư có nhà văn hóa… 

Những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ ngành Văn hóa được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ, Bằng khen của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Phú Thọ.

4-34

Ngành Văn hóa Phú Thọ có vinh dự và trách nhiệm được thừa kế một nền văn hóa rực rỡ vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam gắn liền với thời kỳ Hùng Vương dựng nước với những di sản văn hóa vô giá không chỉ đối với dân tộc mà với cả nhân loại. Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, ngành Văn hóa Phú Thọ tiếp tục tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình cụ thể về phát triển văn hoá. Thực hiện tốt việc xây dựng chương trình, kế hoạch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang, thiết bị, nguồn nhân lực. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống; tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”; xây dựng đề án phục dựng các lễ hội truyền thống đặc biệt là các lễ hội gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, góp phần thực hiện Quyết định số 817/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển thành phố Việt Trì - thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. 

5-28

Cùng với đó, tập trung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch phát triển văn hoá, thông tin, thể thao gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh. Phát triển toàn diện, sâu rộng phong trào thể dục thể thao quần chúng, chú trọng các môn thể thao truyền thống dân tộc; tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư khai thác các thiết chế thể thao, nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao.

Bảo tồn các di sản văn hóa gắn với du lịch, đặc biệt là phát huy giá trị của di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”, xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng mang tính đặc trưng vùng Đất Tổ, Tây Bắc và cả nước. 

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Với truyền thống tự hào của 75 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành VH,TT&DL Phú Thọ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của quê hương Đất Tổ. 

TS. Nguyễn Đắc Thủy- GĐ Sở VHTTDL Phú Thọ

(Nguồn: baophutho.vn)

0 Bình luận

Loading...