Du lịch Làng nghề nón lá Gia Thanh - Huyện Phù Ninh

25 Tháng 11, 2022 | Nghiên cứu - Trao đổi

Làng nghề nón lá Gia Thanh là một địa điểm du lịch tại huyện Phù Ninh. Cách trung tâm Tỉnh Phú Thọ hơn 20 km, cách Khu Di tích lịch sử Đền Hùng khoảng gần 10km, trung tâm huyện Phù Ninh 5 km, cách dòng sông Lô thơ mộng 1km, với vị trí giao thông thuận lợi du khách có thể đến với làng nghề nón Gia Thanh bằng đường bộ hoặc đường sông; con người Gia Thanh nói riêng và người Phù Ninh thân thiện, giàu lòng mến khách.

Nghề nón Làng Rền đã có từ lâu đời, từ thủa sơ khai nhân dân làng Rền may nón bằng búp lá cọ, đến năm 1960 có một người từ Làng Chuông lên đây sinh sống và lập nghiệp, từ đó nghề may nón lá non được phát triển và duy trì đến ngày nay. Nghề nón có ưu điểm là tận dụng thời gian nông nhàn và tận dụng sức lao động của người già, trẻ em. Mặc dù thu nhập từ nghề ngày không cao xong cũng góp phần tăng thêm kinh tế của gia đình, đây là nghề truyền thống của địa phương.

Nghề làm nón lá được duy trì bởi những bàn tay nghệ nhân khéo léo, tỷ mỷ, lao động thủ công. Để làm được nghề này phải trải qua nhiều công đoạn, phần chuẩn bị: như khuôn, vành, lá, mo, kim, nhôi, cước, hoa. Các nguyên liệu này đều do thương lái đem từ Hà Đông lên bán. Để làm được một chiếc nón, có nhiều công đoạn cầu kỳ,  từ vê lá, là lá, nén lá cho phẳng rồi làm vành xong quay nón, rồi mới may nón, may xong dỡ nón ra khỏi khuôn đến cắt cước, nức nón, luồn nhôi, may chóp. Mỗi chiếc nón được lợp 2 lần lá, giữa 2 lần được lót thêm một lượt mo cây tre, diễn…. cho nón thêm dày và cứng cáp, tránh mưa ướt. Mặt trong của nón được người thợ khéo léo luồn những sợi chỉ màu để buộc quai nón. Khi đem ra chợ bán ai mua nón mới quang dầu, buộc quai thế là sản phẩm nón đã đến tay người sử dụng.

Chiếc nón tuy đơn giản xong nó luôn gắn liền với bà con, để đội đầu, che mưa, che nắng. Góp phần giữ gìn sức khoẻ cho mọi người. Đúng như câu ca dao “ Dù ai đi sớm, về trưa, cái nón đội đầu chả mưa thì nắng”. Nón lá còn là sản phẩm gắn liền với tà áo dài của phụ nữ Việt Nam. Nó tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của phụ nữ Việt. Chiếc nón lá Gia Thanh đã và đang góp phần bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng Rền một sản phẩm đặc trưng của miền quê  trung du, rừng cọ, đồi chè.

Trải qua quá trình phát triển đến năm 2005 Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 3522/QĐ – UBND, ngày 26/12/2005 công nhận Làng nghề nón Rền. Những năm gần đây, huyện Phù Ninh và cấp ủy, chính quyền xã Gia Thanh đã quan tâm, xây dựng, tổ chức, thực hiện và phát triển hoạt động du lịch trải nghiệm làng nghề, gắn với tìm hiểu, trải nghiệm văn hoá địa phương như tham quan khu di chỉ khảo cổ xóm Rền, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử thông qua những hình ảnh ghi lại các cuộc khai quật khảo cổ và hình ảnh các di vật tại nhà văn hóa khu 4 (các di vật nay được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương) - chứng tích về một làng nghề từng tồn tại, phát triển tại nơi đây. Được thăm mô hình trang trại có thu nhập cao, được nếm trái Hồng không hạt đặc sản Gia Thanh, có vị giòn, ngọt thanh như được hội tụ tinh túy đất trời của vùng quê Đất Tổ….

Từ năm 2010 đến nay, huyện Phù Ninh phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch và thương mại trải nghiệm Châu Á, Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ tổ chức đón hàng nghìn lượt khách du lịch quốc tế đến từ các nước Australia, Singapore, Anh, Mỹ, Ailen, Thụy sỹ, Canada, Singapo, Bỉ, Switserland, …tham quan khu di chỉ khảo cổ và Làng nghề nón Rền. Khi tham quan, các du khách được tìm hiểu và trải nghiệm những công đoạn để tạo ra những chiếc nón và chứng kiến các nghệ nhân, các bạn nhỏ thực hiện một cách thuần thục.

Những chiếc nón lá vừa trắng vừa nhẹ, vừa bay vừa bền của Gia Thanh đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến. Nón lá Gia Thanh được xác định là một sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương mà còn có ý nghĩa gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống và các giá trị văn hóa dân tộc.  

Trần Huy Khoa - Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Phù Ninh

                                                          

0 Bình luận

Loading...