Bánh củ mài được làm từ cây củ mài thường mọc hoang ở các vùng rừng núi. Nhân dân thường đào củ mài về cạo sạch vỏ, luộc, xào hoặc nấu canh ăn. Rễ củ chứa nhiều hạt tinh bột, rễ là một vị thuốc trong đông y, trị kém ăn, tiêu chảy lâu ngày, phế hư, ho suyễn, di tinh, đới hạ, tiêu khát. Củ mài cũng là một loại lương thực dùng để chống đói trong lúc hạn hán, đói kém hoặc một loại thuốc giúp làm giảm sự thèm ăn bột đường cho người bệnh tiểu đường; nguyên do là củ mài có hàm lượng tinh bột rất cao (gần bằng gạo) và chứa protein mucin có tác dụng thủy phân tinh bột thành đường
Việc sản xuất các sản phẩm bánh củ mài được một số người dân ở xã Hy Cương tìm tòi, học hỏi ở các địa phương giàu kinh nghiệm trong sản xuất bánh kẹo như: Hà Nội, Bắc Ninh… rồi về trực tiếp sản xuất trên chính quê hương mình. Từ những nguyên liệu từ địa phương và các vùng lân cận, các chủ cơ sở đã chế biến ra nhiều loại bánh thơm ngon mang hương vị riêng như: bánh củ mài, bánh củ mài vừng giòn, bánh củ mài cổ tích nướng,…
Để làm ra một sản phẩm bánh phải trải qua nhiều công đoạn. Bánh củ mài được làm từ nguyên liệu chính là củ mài, bánh được làm bằng cách nghiền củ mài thành bột, sau đó cho vào nấu cùng bột nếp, mạch nha và đường. Người nấu dùng kinh nghiệm để quan sát độ chín dẻo để múc ra, lót cơm dừa làm áo rồi mới để nguội, cắt khúc, đóng gói. Để tạo dựng thương hiệu và giữ được chất lượng của sản phẩm, việc lựa chọn nguyên liệu chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các hộ làm bánh, kẹo quan tâm, coi trọng. Khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được đặt lên hàng đầu. Tất cả nguyên liệu như: củ mài, gạo, lạc đều được lựa chọn kỹ, không bị mốc, hỏng để sản phẩm có chất lượng cao. Tất cả nhân viên khi sản xuất đều bắt buộc phải mặc trang bị bảo hộ để đảm bảo vệ sinh. Các loại bánh đặc sản của các cơ sở sản xuất ra đảm bảo không dùng một loại thuốc bảo quản nào và đều tuân thủ theo các quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Phong phú về chủng loại, đa dạng về hình thức đã đưa các sản phẩm từ củ mài và các nông sản khác của vùng Đất Tổ đến với các quầy hàng trong khu di tích và cả một số tỉnh thành khác. Du khách khi về Đền Hùng đã có thể mua những sản phẩm làm quà chính từ các nguyên liệu đặc trưng vùng, do chính người dân dưới chân núi Hùng sản xuất. Đến nay sản phẩm bánh củ mài đã được nhiều du khách trên khắp cả nước đón nhận và được phân phối trên nhiều tỉnh thành và dần khẳng định được tên tuổi trên thị trường.
Bích Ngọc - Trung tâm TTXT Du lịch
Loading...