Lễ hội cướp cầu, đánh phết làng Sơn Vi (xã Sơn Vi - huyện Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ)

11 Tháng 7, 2017 | Lễ hội

Lễ hội cướp cầu, đánh phết làng Sơn Vi (xã Sơn Vi - huyện Lâm Thao - tỉnh Phú Thọ)

“Đầu xuân trẩy hội Sơn Vi

Rước cầu đánh phết không đi sao đành”

Câu ca dao trên của nhân dân vùng hạ huyện Lâm Thao không biết có từ bao giờ. Song từ xa xưa, xuân thu nhị kỳ, cứ đến ngày mồng 3 Tết là các nơi về trảy hội Sơn Vi đông như nước chảy. Mọi người về đây không chỉ xem cướp cầu đánh phết, mà trong lòng mỗi người còn rất đỗi tự hào và ngưỡng mộ những truyền thuyết được truyền lại từ thời các vua Hùng dựng nước.

Làng Sơn Vi có tên nôm là kẻ Vầy. Thành hoàng làng Sơn Vi là 6 bộ tướng của vua Hùng Duệ Vương, dưới sự thống lĩnh của Tản Viên Sơn Thánh, đã có công lập đồn luỹ, giúp vua Hùng dẹp giặc Thục. Khi giặc tan, nước yên, các bộ tướng cùng quân sỹ đã có công giúp dân làng khai hoang lập ấp… nên đời sau dân làng đã suy tôn các ngài là thần làng và được vua phong sắc là thành hoàng. Dân làng xây miếu lập đình để muôn đời thờ cúng và ghi nhớ công ơn. Đến nay dân làng vẫn giữ tục lệ kiêng kỵ không đặt tên và gọi tên huý của các vị thành hoàng, phải gọi chệch đi như: Quý là Quế, Minh là Miêng, Tam là Tơn, Sinh là Xanh…

Lễ hội cướp cầu, đánh phết làng Sơn Vi - xã Sơn Vi được tổ chức hàng năm gắn liền với truyền thuyết lịch sử về các vị thành hoàng được thờ tại đình làng Sơn Vi là: Cao Sơn, Quý Minh, Toát Tấu, Quí ất, Bạch Minh và Mộc Sinh. Đây là các nhân vật lịch sử thuộc thời kỳ Hùng Vương dựng nước, đời vua Hùng thứ 18.

dsajf

Tương truyền, hàng năm vào ngày mồng 3 tháng Giêng, Thánh Tản Viên từ động Lăng Xương sang kinh đô Phong Châu lễ Tết bố vợ, lúc trở về đều dừng chân ở làng Sơn Vi để cùng với các tướng lĩnh, dân làng nơi đây hàn huyên, ôn lại những ngày oanh liệt của cuộc chiến đấu chống giặc Thục, bảo vệ đất nước. Các tướng lĩnh và dân làng Vầy đều rất kính trọng và quí mến Tản Viên, luôn tìm mọi cách để lưu giữ Tản Viên ở lại với dân làng, nhưng không được. May sao, có một năm, khi Tản Viên về đến đầu làng, thấy lũ trẻ đang tranh cướp nhau một quả bưởi trên tay, chúng săn đuổi nhau khắp cánh đồng và reo hò ầm ĩ…Thấy vậy, Tản Viên đã dừng lại hồi lâu để xem và tỏ ra rất vui…Thấy vậy, bộ tướng Mộc Sinh bèn nghĩ ra cách tổ chức cho quân sỹ chơi trò cướp cầu để mua vui và giữ chân Thánh Tản. Trò chơi này phù hợp với việc tập luyện cho quân sỹ tinh thần đoàn kết, dũng cảm, thông minh, nhanh nhẹn và ý chí quyết thắng, nên được mọi người hưởng ứng tham gia. Trò chơi cướp cầu đã trở thành lễ hội truyền thống của dân làng Sơn Vi. 

Hội cướp cầu đánh phết Sơn Vi kéo dài trong suốt 3 ngày, từ sáng ngày mồng 3 gọi là lễ cầu đón Thánh Tản, đến chiều ngày mồng 5 Tết tổ  lễ cầu tiễn Thánh Tản. Mỗi năm, trước Tết âm lịch khoảng 2 tháng, dân làng chia thành 18 phe giáp để tổ chức hội cầu, trong đó có 9 phe hợp lại thành phe nội, 9 phe còn lại thành phe ngoại. Mỗi phe chừng hai chục người, là các trai đinh khoẻ mạnh, tuấn tú, tự nguyện đăng ký chơi cầu và sắm cho mình 10 vuông vải mộc trắng để đóng khố khi chơi. Những trai đinh tham gia chơi cầu được dân làng coi như các quân sỹ của thành hoàng làng sống lại, nhập hồn vào, nên họ cũng tự sửa mình xứng dáng với danh hiệu cao quí đó. Trước khi thi đấu họ phải kiêng cữ chuyện trai gái dâm tục, không được ăn các thứ có mùi vị hôi tanh và mùi hăng như thịt chó, hành, tỏi, mắm tôm, ớt…Mỗi phe chuẩn bị 2 lá cờ thần, 1 lễ gà đốm để tế lễ ở đình làng; đồng thời ra sức luyện tập, quyết tâm giành phần thắng trong lễ hội cướp cầu. Phần thưởng cho phe thắng chỉ đơn giản là thừa huệ các đồ tế lễ ở đình làng như Thủ lợn, ván xôi gà, oản…, nhưng giá trị chiến thắng về tinh thần, tâm linh mới là vô giá. Theo quan niệm của dân làng, phe nào giành phần thắng sẽ được tài lộc đầy đủ cả năm. Người ta tranh nhau mua những chiếc khố của trai đinh chơi cầu để về may quần áo cho trẻ con lấy khước…      

Quả cầu thoạt đầu chỉ là những quả cầu đơn giản như củ chuối, gốc sung…rồi tiến tới là những quả cầu bằng gỗ lim được đẽo gọt nhẵn, có đường kính 0,30m, nặng khoảng 20kg. Mỗi năm khi chơi xong, những quả cầu lại được cất giữ trong đình làng như những báu vật thiêng liêng.

Địa điểm tổ chức lễ hội cướp cầu đánh phết là cánh đồng đất pha cát trước cửa đình làng Sơn Vi, gọi là cánh đồng Lò Cầu. Dân làng đã giành ra một sào ruộng để đào “Lò Cầu’. “Lò Cầu” là một hố đất hình lòng chảo, đường kính rộng 3 mét, sâu 1,2m, số đất đào xúc lên được đắp thành bờ quanh miệng lò. Trước ngày tổ chức lễ hội, dân làng thông báo cho các chủ ruộng quanh Lò Cầu, trong diện tích khu đất khoảng 3 mẫu, phải thu hoạch xong nông sản, để trả lại mặt bằng diện tích phục vụ làng chơi cầu. Sau đó, cờ thần được cắm thành hàng, “cung quán” và các lều quán phục vụ cho lễ hội cũng được dựng lên.

Khoảng 7 giờ sáng ngày mồng 3 Tết, khi việc tổ chức tế lễ ở đình đã xong, dân làng bắt đầu rước kiệu và những quả cầu ra cánh đồng Lò Cầu, kéo theo hàng ngàn người nô nức tham gia xem hội cầu. Các trai đinh của các phe đóng khố cởi trần, đứng túc trực sẵn ở vị trí quy định, chờ đợi giây phút căng thẳng nhất đó là lệnh cướp cầu chuẩn bị phát ra. Khi chiếc kiệu bát cống đã được đặt vào nơi “cung quán” trang trọng, chiêng trống rộn rã nổi lên, chủ tế làm lễ mật khẩn trước hương án, long đình, sau đó quay lại bưng cơi trầu mời quan viên, dân làng và trai đinh 2 phe ăn trầu để lấy may. Xong xuôi, chủ tế vác qủa cầu lên vai có người che lọng đi theo, đi đến trước “Lò Cầu”, nhân danh thành hoàng làng, tuyên bố luật chơi cầu, rồi xin cả 2 phe hô ủng hộ 3 lần: Huốc cù!... - Đáp: Huề!… Khi tiếng huề cuối cùng vừa dứt, chủ tế vật quả cầu thứ nhất xuống lò, cuộc chơi bắt đầu. Trai đinh 2 phe liền nhất loạt chạy đến cướp quả cầu dưới lò mang lên, chạy về đích của phe mình, giành phần thắng. Tiếp theo chủ tế lại vật quả cầu thứ hai…Từ bờ lò về tới đích của mỗi bên chỉ chừng 200m, nhưng mỗi trận cướp cầu luôn diễn ra vô cùng gay go quyết liệt, kéo dài thời gian suốt cả buổi, đòi hỏi các bên phải có lòng dũng cảm, tình đoàn kết, sức khoẻ, thông minh, nhanh nhẹn và tìm mọi cách để xô đẩy được đối thủ cách xa Lò Cầu và quả cầu. Nhiều khi họ phải khiêng cả người ôm được quả cầu lên đầu, chạy về đích. Cuộc đọ sức của hai bên phải đấu trong 9 trận và được tổ chức liên tiếp trong suốt 3 ngày hội cầu làng. Tới trận thứ 7 thì xác định được thắng bại của từng bên. Và bao giờ cũng vậy, tiếp theo trận thứ 7, các đấu thủ còn đấu thêm 2 trận nữa, gọi là trận cầu chơi và trận cầu tiễn. Trận cầu chơi là để các cầu thủ dẫn Thánh Tản vãn cảnh làng Vầy. Trận này không tính điểm mà chỉ vác cầu đi chơi. Các cầu thủ đua nhau xem ai vác khoẻ. Trận cầu tiễn Thánh Tản diễn ra cũng khá căng thẳng, hình thức tranh cầu chuyển từ chân tay không sang dùng phết dể ngoắc cầu về đích. Bên nào thắng trận này được coi như dành được phần thắng chính của hội. Theo sự phân định ranh giới trên cánh đồng Lò Cầu, phe nào cướp được cầu chạy về đích của phe mình, thì năm đó được may mắn, còn nếu quả cầu được cướp chạy đến cánh đồng chung của làng, thì năm đó cả làng cùng được hưởng may mắn chung.

Đúng xẩm tối ngày mồng 5 Tết, khi lễ hội cướp cầu đánh phết chuẩn bị kết thúc, cũng là lúc có sự trùng hợp ngẫu nhiên của quy luật tự nhiên: Gió Đông Bắc bắt đầu thổi, làm tung bay những lá cờ thần vẫy về hướng núi TảnViên. Dân làng Vầy cũng reo lên, đốt ống lệnh tiễn Tản Viên Sơn Thánh về núi. Thấy vậy, dân làng á (Bản Nguyên) cũng reo hò đánh trống chiêng, để đưa Thánh Tản qua sông Hồng và dân làng Trúc Phê (Hưng Hoá) liền lấy chày giã gạo khua inh ỏi để giã bánh dày, làm lương thực cho quân sỹ Tản Viên về núi. Từ đó có câu ca: “Sơn Vi đốt ống lệnh, á há miệng, Trúc Phê đâm”.           

Lễ hội cướp cầu đánh phết làng Sơn Vi mang đậm sắc thái về sự tái hiện lịch sử với không khí hội làng tưng bừng rộn rã. Đến với lễ hội cướp cầu đánh phết làng Sơn Vi, chúng ta sẽ có dịp cảm nhận được mối quan hệ hai chiều giữa làng và nước, cụ thể hơn là nghĩa vụ giữa cá nhân và cộng đồng. Đồng thời cũng cảm nhận được lòng tự hào về đất nước, về những người anh hùng dân tộc và về truyền thống yêu làng, yêu nước từ ông cha trao truyền lại. Đó không phải là sự cảm nhận đơn lẻ, thông tục, mà là mối đồng cảm giữa mọi người, thông qua nghi lễ để nối liền quá khứ và hiện tại. Với những giá trị bản sắc văn hoá truyền thống, hội làng Sơn Vi đã làm sống lại truyền thống yêu nước, khẳng định sức mạnh và lòng tự hào dân tộc; đồng thời cũng để cổ vũ và nhắc nhở tinh thần yêu nước cho các thế hệ tiếp theo.   

Lê Thoa (Về miền lễ Hội cội nguồn dân tộc Việt Nam - quyển 2 -2008)

0 Bình luận

Loading...