Mùa lễ hội an toàn, giàu bản sắc

13 Tháng 2, 2023 | Nghiên cứu - Trao đổi

Đầu Xuân cũng là thời điểm các lễ hội dân gian truyền thống khắp các vùng miền được tổ chức trong bầu không khí náo nức phấn khởi, làm cho bức tranh quê thêm sống động, lòng người thêm rộn vui. Đất cội nguồn dân tộc, nhiều năm liền được đánh giá cao trong công tác tổ chức lễ hội, Năm 2023, việc quản lý và tổ chức lễ hội tiếp tục được tỉnh chú trọng với phương châm chủ động, chu đáo, quyết tâm mang đến một mùa lễ hội tươi vui, an toàn, tôn vinh và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghi thức cáo lễ, cúng thần nông tại lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa diễn ra tại phường Minh Nông, thành phố Việt Trì.
Phát huy giá trị di sản
Với mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân Đất Tổ nói riêng, từ lâu, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh. Bởi lễ hội là di sản văn hóa gắn liền với sinh hoạt, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư. Ngoài giá trị cân bằng đời sống tinh thần, lễ hội truyền thống còn tác động tích cực tới mỗi cá nhân và cộng đồng, hướng về nguồn cội và giáo dục các giá trị đạo đức. Chính vì lẽ đó, địa phương và các tầng lớp nhân dân rất coi trọng, có ý thức gìn giữ, trao truyền và có nhu cầu tổ chức lễ hội.
Toàn tỉnh hiện đang duy trì hoạt động 311 lễ hội dân gian truyền thống, phản ánh tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước trong lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ trên vùng quê Đất Tổ Vua Hùng. Một điều dễ nhận thấy là các lễ hội ở vùng Đất Tổ mang đậm nét tiêu biểu của vùng miền và không gian văn hóa tâm linh như lễ hội Trò Trám, lễ hội ông Khưu, bà Khưu cùng các lễ hội bơi chải, đâm đuống, đánh trống đồng... Tiêu biểu nhất là lễ hội Đền Hùng, đó là điểm đến của văn hóa khởi nguồn của dân tộc.
Lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Vào dịp lễ hội, đồng bào cả nước nô nức trẩy hội, thắp nén hương thơm tưởng nhớ công ơn dựng nước của các Vua Hùng, tổ tiên cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nét đẹp truyền thống đạo lý đó đã trở thành ý thức hệ văn hóa tinh thần và tín ngưỡng dân tộc độc đáo: Thờ cúng ông bà tổ tiên trong dòng họ và thờ cúng Tổ tiên chung của cộng đồng. Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng trở thành biểu tượng và điểm hội tụ tâm linh, biểu thị tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã vượt ra ngoài phạm vi một lễ hội, trở thành ngày lễ trọng đại, ngày hội văn hóa của cả nước, kết nối và nuôi dưỡng sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Người dân ở địa phương có di tích (đình, đền, miếu...) thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử liên quan thời kỳ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng các Vua Hùng.
Người dân đi lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hòa.
Để khơi dòng chảy cho các lễ hội truyền thống, hàng năm, thực hiện chỉ đạo của Sở VH,TT&DL, Phòng VH&TT các huyện, thị, thành đã chủ động tham mưu với UBND cùng cấp chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, nhân dân và du khách trong việc thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo phù hợp với truyền thống văn hóa, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. Theo đó, lễ hội đều được tổ chức có quy mô: Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, đúng nghi thức truyền thống; phần hội được tổ chức đa dạng, phong phú với các trò chơi dân gian, truyền thống… Đồng thời, trong một số lễ hội có tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng và nhiều dịch vụ, bán hàng lưu niệm, ẩm thực địa phương... để đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân, du khách.
Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy- TUV, Giám đốc Sở VH,TT&DL đánh giá: “Đa phần các lễ hội đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân, thu hút hàng chục nghìn du khách tham gia như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (huyện Hạ Hòa), lễ hội Đền Lăng Sương, lễ hội đình Đào Xá (huyện Thanh Thủy), lễ hội đền Du Yến (huyện Thanh Ba), lễ hội đình Hùng Lô (thành phố Việt Trì)... Thông qua lễ hội các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, thuần phong mỹ tục được phát huy, góp phần duy trì thực hành, truyền dạy và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương, củng cố tinh thần đoàn kết, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội được tổ chức đã tạo điều kiện cho công tác bảo tồn di tích, đồng thời phát huy được vai trò, giá trị của di tích trong đời sống nhân dân địa phương”.
Tăng cường công tác quản lý
Soi chiếu qua lăng kính văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội được xem là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, phản ánh nét đẹp văn hóa, mang tính giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, gắn kết tinh thần cộng đồng, tình yêu quê hương, đất nước. Tuy nhiên, khi đời sống được nâng cao, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người người trẩy hội, nhà nhà trẩy hội. Theo đó, không ít người đi lễ mà không hiểu đối tượng hành lễ, ý nghĩa của lễ hội, văn hoá ứng xử, dẫn đến quan niệm lệch lạc như suy nghĩ trần sao âm vậy, không ít người chịu chi “lễ khủng” với nhà lầu, xe hơi (hàng mã)... để đốt khi hành lễ, vừa lãng phí tiền của, vừa ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng...
Nhằm tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm tại các lễ hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, Sở VH,TT&DL đã đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo Phòng VH&TT và các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của Bộ VH,TT&DL về công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã ban hành những năm trước đây. Chú trọng tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc các văn bản: Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 06 tháng 12 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức lễ hội có liên quan. Tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt dịch COVID-19, cúm, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội; không tổ chức các lễ hội mang yếu tố phản cảm, bạo lực, các nghi lễ có tính bạo lực, mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự; không cấp phép tổ chức lễ hội có mục đích thương mại, trục lợi... Tổ chức tuyên truyền và phổ biến rộng rãi trong nhân dân nội dung Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội.
Lễ hội Đền Lăng Sương, huyện Thanh Thủy diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm.
Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân- Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình, Sở VH,TT&DL cho biết: Ngành kiên quyết không để xảy ra các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, người lang thang cơ nhỡ, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… trong lễ hội. Tổ chức các khu dịch vụ phục vụ lễ hội theo quy hoạch đảm bảo thuận tiện, không lấn chiếm khuôn viên di tích, không gây cản trở, ùn tắc giao thông; yêu cầu các cơ sở dịch vụ thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không chèo kéo khách, không ép giá, không bán thịt động vật hoang dã, đồ chơi có tính bạo lực... Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo các quy định của cơ quan chức năng. Xây dựng và thực hiện các phương án bố trí trang thiết bị, nguồn nhân lực thu gom rác thải hợp lý; thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch và tổ chức lễ hội.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho lễ hội, việc tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, bố trí khu vực trông giữ phương tiện giao thông; xây dựng và triển khai các phương án phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội cũng được chú trọng. Đối với những lễ hội có các hoạt động diễn ra trên mặt nước, sông, hồ, phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội và du khách, chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ngành Văn hoá đã chỉ đạo các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích; tuân thủ quy định về đặt hòm công đức; không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Nguồn: Báo Phú Thọ.
0 Bình luận

Loading...