Xây dựng sản phẩm du lịch Phú Thọ trong "tình hình mới".

18 Tháng 2, 2022 | Nghiên cứu - Trao đổi

Phú Thọ “Đất Tổ - điểm đến Cội nguồn” những năm gần đây khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì Phú Thọ trở thành điểm đến và là sự lựa chọn không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước khi đến khu vực Đông - Tây Bắc  Việt Nam. Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch Phú Thọ giai đoạn từ 2016-2019 các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh du lịch đều tăng và đạt từ 8%/năm đến 10%/năm, lượng khách tham quan đạt từ 7 - 8 triệu lượt khách mỗi năm nên du lịch Phú Thọ đã có bước phát triển khởi sắc nhất định.Tuy nhiên năm 2020-2021 dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc hoàn thành các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và cả nước.

Sản phẩm đặc trưng và các xu hướng du lịch mới của Du lịch Phú Thọ:

- Sản phẩm du lịch văn hóa:  được duy trì và phát triển trên cơ sở khai thác giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, gắn với giá trị tiêu biểu của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, di tích văn hóa Miếu Lãi Lèn, Đình Hùng Lô, Đền Mẫu Âu Cơ và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.

- Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí: được tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; nâng cấp, hoàn thiện, xây dựng các điểm nhấn đặc trưng phục vụ khách tham quan chụp ảnh check-in điểm đến, tạo sự hấp dẫn thu hút lượng khách tham quan, lưu trú.

- Sản phẩm du lịch sinh thái - danh thắng, du lịch cộng đồng: được đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cải tạo cảnh quan môi trường du lịch. Tại Vườn quốc gia Xuân Sơn, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng gắn với khai thác bền vững giá trị cảnh quan thiên nhiên, xây dựng một số điểm nhấn du lịch phục vụ khách tham quan chụp ảnh, hỗ trợ đồng bào dân tộc Dao,Mường xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng homestay đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Một số đồi chè có cảnh quan đẹp tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn đã được khảo sát, đánh giá và xây dựng điểm đến, điểm dừng chân phục vụ khách tham quan chụp ảnh, trải nghiệm, góp phần tăng sức hấp dẫn thu hút khách du lịch.

- Khai thác các sản phẩm mới: du lịch Phú Thọ ngày càng được định hình, xây dựng và phát triển hoàn thiện hơn đáp ứng các xu hướng du lịch mới, đa dạng của du khách: du lịch trải nghiệm với các sinh hoạt cộng đồng, tôn trọng môi trường tự nhiên, bảo vệ môi trường; du lịch thể thao và chăm sóc sức khỏe; du lịch MICE,..và xu hướng du lịch Camping (cắm trại) tại các khu vực có cảnh quan đẹp, khu vực danh thắng có khu vực cắm trại phù hợp, các khu vực gần Hồ, ven sông,.. cách thức tự do theo nhóm, gia đình đang trở nên thịnh hành và Phú Thọ có đủ các điều kiện có thể khai thác ngay loại hình du lịch này.

Định hướng sản phẩm du lịch Phú Thọ với các yêu cầu trong “tình hình mới”:

Đại dịch Covid-19  đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, sự thay đổi đó mang tính lâu dài, đưa các hoạt động, quan hệ xã hội và hành vi con người sang một trạng thái mới, với các đặc điểm như: những điều trước đây cho là không bình thường thì nay là bình thường; Kế hoạch đề ra để thực hiện phải có sự chuẩn bị trước thì nay trong điều kiện bắt buộc phải thực hiện ngay, triển khai công tác xây dựng sản phẩm du lịch Phú Thọ phải có tính đến các điều kiện và các yêu  cầu  như:

- Làm mới các sản phẩm du lịch truyền thống phải đảm bảo sự an toàn và xử lý linh hoạt các tình huống có thể xảy ra khi thực hiện chương trình du lịch, các doanh nghiệp du lịch cần bổ sung các biện pháp an toàn, chọn lựa các lộ trình, các điểm tham quan, ăn nghỉ, mua sắm đủ điều kiện, liên hệ với các cơ sở y tế, các cơ quan có trách nhiệm để có thể giải quyết tình huống.

- Xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch mới phù hợp với trạng thái bình thường mới thông qua các cách thức mới:

+ Ứng dụng công nghệ số để chọn lựa các điểm đến, các cơ sở dịch vụ phù hợp và tạo sự chủ động trong quá trình triển khai các chương trình du lịch.

+ Các sản phẩm du lịch văn hóa, kiến trúc, phong cảnh ở ngay tại địa phương đáp ứng nhu cầu khách nội tỉnh, liên tỉnh gần kề và nội địa (nhằm đáp ứng nhu cầu đi thời gian ngắn, đi gần, đi nhóm nhỏ,...)

+ Các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, nhấn mạnh yếu tố du lịch xanh (điểm đến xanh, tuyến du lịch xanh, cơ sở dịch vụ du lịch xanh,...)

+ Phát triển du lịch MICE, nhằm khai thác sự phục hồi của các cơ sở kinh tế, đưa MICE trở thành một nhánh quan trọng của du lịch.

+ Phát triển du lịch thể thao, nhằm khai thác sự quan tâm nâng cao sức khỏe của người dân sau đại dịch như: du lịch Golf, du lịch Yoga, chạy bộ, đi bộ, bơi lội, các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế.

+ Phát triển các dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cung cấp hàng hóa phụ trợ liên quan.

+ Xây dựng và khai thác các giá trị độc đáo, khác biệt của Ẩm thực Đất Tổ: đưa Ẩm thực trở thành một sản phẩm nổi bật của du lịch Phú Thọ và cùng Việt Nam dần trở thành “ Bếp ăn - Ẩm thực độc đáo của thế giới”.

Trong “tình hình mới”, Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch tại Phú Thọ đang khởi động lại với cách thức mới, sẵn sàng về cơ sở vật chất, cải tiến sản phẩm và các điều kiện phù hợp với yêu cầu mới; rà soát và đánh giá lại dịch vụ, nhân sự, đảm bảo công tác phòng chống Covid-19. Chúng tôi khẳng định đã sẵn sàng phục vụ du khách tới Phú Thọ ngay hôm nay và các sự kiện lớn vào năm 2022 như các lễ hội đầu xuân, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần và dịp SEA Games 31 đảm bảo an toàn cùng các trải nghiệm trọn vẹn.

Trần Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch tỉnh Phú Thọ, Tổng giám đốc Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ

0 Bình luận

Loading...