Khai thác giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ phục vụ phát triển du lịch

10 Tháng 2, 2022 | Nghiên cứu - Trao đổi

Di sản văn hoá và phát triển du lịch là một vấn đề mà mọi quốc gia, vùng miền, địa phương phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay.

Có nhiều quan điểm trái chiều trong việc lý giải và đưa ra giải pháp cho mối quan hệ này. Ở chiều thuận, nhiều quan điểm cho rằng di sản văn hoá vừa là tài nguyên vừa là nguồn lực phát triển du lịch, thậm chí còn là nguồn tài nguyên du lịch độc đáo, đặc thù và đặc biệt quan trọng.

Ở chiều nghịch, các quan điểm phản đối cho rằng việc ghi danh, “xếp hạng” di tích - di sản hay khai thác các di sản phục vụ du lịch sẽ xâm hại đến giá trị di sản, ảnh hưởng tiêu cực đối với công tác bảo tồn di sản.

Tuy nhiên, xét ở bình diện sự vận động nói chung của nền kinh tế - xã hội, việc phát huy di sản và phát triển du lịch là mối liên hệ tương tác mang tính tự nhiên, tất yếu ở các cộng đồng, khu vực có di sản văn hoá.

Rõ ràng, danh mục di sản văn hoá mà UNESCO ghi danh là một lợi thế trong quảng bá du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch cũng như  hình ảnh, dấu ấn điểm đến đối với khách du lịch. Ở phạm vi quốc gia và địa phương, việc ghi danh các di sản văn hoá phi vật thể hay xếp hạng các di tích văn hoá - lịch sử cũng là một điều kiện thuận lợi cho các địa phương có di sản khai thác phục vụ phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng.

Dù chưa có sự thống nhất cao, song đa số các học giả đều cho rằng du lịch là một trong những phương thức tốt để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Các nhà nghiên cứu Ashworth G.J và Larkham P.J cho rằng khi khai thác các giá trị di sản cần có cách quản lý phù hợp đặc điểm di sản. Di sản không chỉ mang giá trị biểu tượng mà cần được sống trong cộng đồng, tức là phải đóng góp vào sự phát triển chung, phải phục vụ cộng đồng.

Vậy nếu cộng đồng lựa chọn cách bảo tồn và phát huy di sản thông qua hoạt động du lịch thì chúng ta cần tôn trọng lựa chọn đó. Vấn đề cần bàn là các bên tham gia những hoạt động này sẽ có vai trò như thế nào trong việc giúp cho cộng đồng chủ thể vừa bảo tồn được di sản và bản sắc văn hoá của họ vừa có thể đảm bảo được lợi ích của các bên.

Giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong khai thác phục vụ du lịch

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản đặc biệt trong hệ thống di sản văn hoá của người Việt.

Cố giáo sư Hà Văn Tấn từng có một nhận định khẳng định giá trị đặc biệt đó: “Không ở đâu trên trái đất này, có một dân tộc tin rằng có một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để một ngày trong năm, hành hương về tưởng niệm như trường hợp Việt Nam”.

Xét về góc độ văn hoá, tục thờ cúng Hùng Vương bồi đắp niềm tự hào, ý thức tự tôn thiêng liêng của cả dân tộc trong mọi nỗ lực xây dựng và bảo vệ tổ quốc song hành với bản sắc văn hoá, văn hiến riêng của người Việt.

Xét về góc độ xã hội, đây là một tập quán xã hội lâu đời gắn với tâm thức của dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống ứng xử trọng ơn nghĩa, nặng ân tình, luôn coi trọng các giá trị văn hoá nguồn cội.

Ở góc độ đạo đức, ý thức về việc thờ cúng Hùng Vương mang giá trị nhân văn sâu sắc, đó là một biểu tượng hướng thiện giúp con người trong nâng cao giá trị của chính mình và cộng đồng xã hội nơi mình được sinh ra. Chính trên nền tảng đó, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với xuất phát điểm là những tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp đã gắn kết với nét đẹp đạo lí uống nước nhớ nguồn, trọng tổ tiên để hình thành riêng nên tín ngưỡng độc đáo là thờ vua Tổ.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có thể coi là một sản phẩm văn hoá mang tính chất tinh hoa bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên nói chung. Nhiều vùng, quốc gia trên thế giới có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, song có lẽ thờ vua Tổ thì hiện tại chúng ta mới chỉ biết duy có ở người Việt.

Về thời gian

Trải qua các thời kì lịch sử, từ thời dựng nước cho tới những giai đoạn dựng nước song hành với giữ nước đầy thăng trầm, cam go, vừa đánh đuổi giặc ngoại xâm vừa bảo vệ và vun bồi các giá trị văn hoá mang tính bản sắc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã khẳng định được vị thế của mình trong đời sống dân tộc.

Buổi sơ khởi, những truyển thuyết Hùng Vương dựng nước, giữ nước, những hình tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ, Tản Viên, Thánh Gióng, Lang Liêu, …cùng với phong tục, tập quán, nghi lễ, sinh hoạt… của người Văn Lang đã là bài ca trong nôi của bất cứ người Việt nào.

Dưới các triều đại phong kiến, tục thờ cúng cùng với nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng đã được các tầng lớp nhân dân quan tâm, chính quyền nhà nước Trung ương công nhận là “Quốc tế” (tức là nghi lễ ở cấp quốc gia). Hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn có 3 ngôi đền thuộc hệ thống các di tích thờ cúng Hùng Vương có tên là “Quốc Tế”, đó là các xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thuỷ; xã Thọ Văn và xã Dị Nậu, huyện Tam Nông.

Dưới triều Hồng Đức (1472), triều đình cho phụng soạn “Hùng đồ thập bát diệp Thánh vương Ngọc phả cổ truyền” tức Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng. Đây có thể coi là bản “quốc phả” với việc định danh các vua Hùng ở vị trí độc tôn khai quốc, sinh dân. 

Tới năm 1917, nhà Nguyễn đã chính thức hoá bằng pháp luật nhà nước khi quy định ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm.

Từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Ngày 18 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 22/SL-CTN cho công chức, viên chức nghỉ ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tham gia các hoạt động Giỗ tổ Hùng Vương, hướng về cội nguồn dân tộc.

Năm 2007, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung điều 73 của Bộ luật lao động cho phép người được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm.

Ngày 6 tháng 12 năm 2012, UNESCO đã ghi danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam” vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với hành trình đó, di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự là một sáng tạo văn hoá, một lựa chọn văn hoá độc đáo của người Việt có sức sống, sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần và tâm linh của người Việt. Sức sống và sức ảnh hưởng đó khẳng định giá trị kết nối cộng đồng dân tộc đặc biệt quan trọng của di sản cũng như giá trị văn hoá - lịch sử mang tính biểu tượng của dân tộc Việt Nam.

Về không gian

Từ không gian làng xã ở khu vực xung quanh núi Hùng - nơi phát tích của nhà nước Văn Lang đầu tiên trong huyền sử của người Việt, tín ngưỡng này đã lan toả rộng rãi trên cả vùng đất Tổ (tỉnh Phú Thọ ngày nay) với 345 di tích thờ cúng Hùng Vương (số liệu tới năm 2020) và 1417 di tích (số liệu kiểm kê năm 2005 của Cục Văn hoá cơ sở thuộc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch).

Hơn thế, hiện nay cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tiêu biểu như ở Mỹ, Canada, Nhật Bản, Malaysia vẫn còn giữ gìn được sinh hoạt tín ngưỡng này.

Hằng năm, các địa phương trong cả nước đều diễn ra các hoạt động tưởng nhớ tri ân công đức các vua Hùng và thực hành trong cộng đồng sinh hoạt thờ cúng Hùng Vương. Ở nhiều tỉnh, nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã diễn ra trong nhiều năm như: thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau…

Cũng vào dịp lễ hội đền Hùng hằng năm, tỉnh Phú Thọ phối hợp với 3-5 tỉnh (theo Đề án Tổ chức Giỗ tổ hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt) cùng thực hiện nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng tại trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương quan trọng nhất của cả nước là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Khai thác giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong xây dựng sản phẩm du lịch

Trong bối cảnh hiện nay, việc khai thác các giá trị văn hoá để phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát huy di sản nhằm phát triển du lịch nói riêng là một xu thế tất yếu khách quan. Trên cơ sở đó, di sản đặc biệt Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một nguồn lực tốt đối với hoạt động kinh tế du lịch, cụ thể là du lịch văn hoá tâm linh và du lịch di sản trên vùng đất Tổ.

Nhận thức rõ điều đó, Tỉnh Phú Thọ cũng đã xác định gắn kết di sản với phát triển kinh tế - xã hội địa phương và nâng cao đời sống kinh tế, văn hoá cộng đồng. Năm 2021, Tỉnh đã đón danh hiệu Khu du lịch quốc gia Đền Hùng nhằm tạo điều kiện cho hoạt động song hành bảo tồn và phát huy di sản trong cộng đồng.

Sau đây là một số hướng khai thác giá trị Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mang tính gợi ý:  

Về chương trình du lịch

- Chương trình du lịch chuyên đề “Dấu ấn không gian văn hóa Hùng Vương” khai thác các điểm dừng tiêu biểu, đặc trưng: Đền Tiên - Đền Hùng - Hùng Lô - Minh Nông - Khu di tích Lang Liêu (dự kiến)

- Các chương trình du lịch đặc thù với ý tưởng chủ đề “tinh hoa văn hóa lúa nước và công lao của các vua Hùng” gắn với hoạt động trải nghiệm di sản:

+ Trải nghiệm xuống đồng cấy lúa đầu xuân (qua truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cấy lúa và lễ hội làng Minh Nông, Việt Trì, Phú Thọ)

+ Trải nghiệm thi gói bánh chưng, giã bánh dày tại làng nghề Hùng Lô (truyền thuyết Bánh chưng, bánh giày)

+ Tham quan cánh đồng Lang Liêu (Hương Trầm, Dữu Lâu)

+ Trải nghiệm sáng tạo gốm tại Thanh Thủy với chủ đề về văn hóa Hùng Vương (biểu tượng văn hóa trong truyền thuyết: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, trầu cau, bánh chưng bánh dày…)

- Các chương trình du lịch trải nghiệm di sản, du lịch học đường gắn với điểm đến là các di tích thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh (đình, đền, miếu), khai thác các truyện cổ, truyền thuyết thời Hùng Vương, trải nghiệm sáng tạo gắn với văn hóa mĩ thuật thời Đông Sơn và thời Hùng Vương.

Về sản phẩm lưu niệm

Thiết kế trung tâm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sản OCOP và sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng văn hóa Hùng Vương (sản phẩm đề tài - dự án khoa học cấp tỉnh đã nghiệm thu của trường Đại học Hùng Vương) kết hợp khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sáng tạo các sản phẩm lưu niệm du lịch theo hướng này.

Với sự tồn tại và phát triển qua chiều dài lịch sử và chiều rộng không gian lan toả ấn tượng, sức ảnh hưởng và giá trị của di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với cộng đồng người Việt trong, ngoài nước nói riêng và du khách quan tâm đến các khác biệt và đa dạng văn hoá nói chung sẽ có thể có nhiều mối quan tâm, hứng thú đối với các sản phẩm văn hoá, sản phẩm du lịch liên quan đến di sản này.

ThS.Nguyễn Thị Huyền

Trưởng Bộ môn VHDL - Đại học Hùng Vương

 

0 Bình luận

Loading...