Xứng tầm Khu di tích Quốc gia đặc biệt

21 Tháng 12, 2021 | Nghiên cứu - Trao đổi

denhung -2-

Cầu đi bộ Mai An Tiêm do Tập đoàn Sông Hồng thủ đô công đức, góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Đền Hùng - Di tích Quốc gia đặc biệt là nơi linh thiêng liêng thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa giáo dục đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Quá trình thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 theo Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 21/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017-2020 đã phát sinh nhiều điểm chưa hợp lý cần phải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cục bộ các phân khu chức năng, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, huy động các nguồn lực đầu tư tu bổ, xây dựng Khu di tích ngày càng khang trang hơn. 

Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 theo Quyết định số 552/QĐ-TTg ngày 21/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Khu di tích; tạo lập các không gian tưởng niệm, tôn vinh các vua Hùng và các bậc tiền nhân thời đại Hùng Vương; hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch… Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị chủ đầu tư triển khai thực hiện theo quy định. Bảy nhóm dự án thành phần đã và đang thực hiện gồm: Tu bổ, tôn tạo vùng lõi di tích; tôn tạo trung tâm lễ hội; hạ tầng kỹ thuật; tháp Hùng Vương; bảo tồn và phát huy giá trị rừng quốc gia Đền Hùng; hỗ trợ xã vùng ven; xây dựng tượng đài Hùng Vương. 

Quá trình tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách cấp hàng năm còn hạn hẹp. Mặt khác, khả năng huy động vốn xã hội hóa đầu tư, tôn tạo di tích còn gặp nhiều khó khăn. Giai đoạn 2015-2020, tổng số vốn được đầu tư là 610 tỉ đồng, trong đó 500 tỉ đồng là vốn ngân sách Nhà nước, còn lại là nguồn công đức và huy động xã hội hóa. Trong khi đó, để hoàn thành theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần khoảng 4.500 tỉ đồng. Đến nay, qua hơn bốn năm thực hiện quy hoạch, nguồn vốn đầu tư mới đạt khoảng 13,6% so với nhu cầu vốn để hoàn thành các công trình, hạng mục theo quy hoạch. Như vậy, từ nay đến năm 2025, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư để thực hiện hoàn thành quy hoạch là rất khó khăn.

denhung -1-

Việc điều chỉnh bổ sung, tôn tạo hệ thống hạ tầng kiến trúc cảnh quan tại khu vực Trung tâm trục hành lễ sẽ  góp phần tạo điểm nhấn thu hút du khách về với Đền Hùng.


Không chỉ gặp khó về nguồn vốn để hoàn thiện quy hoạch, Khu di tích lịch sử Đền Hùng còn thiếu các thiết chế văn hóa thu hút du khách thường xuyên về thăm viếng. Hàng năm, du khách về với Đền Hùng mới chỉ tập trung đông vào dịp lễ hội tháng Ba âm lịch. Việc thiếu các thiết chế văn hóa hấp dẫn du khách mặc dù tiềm năng phát triển du lịch tại đây rất lớn khiến Khu di tích kém phần hấp dẫn với du khách thập phương. Để Đền Hùng không chỉ là Khu di tích Quốc gia đặc biệt, mà còn xây dựng thành Khu du lịch Quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách về với cội nguồn và khám phá văn hóa vùng Đất Tổ, góp phần “đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn” theo chủ trương của Chính phủ, từ đó nâng cao đời sống nhân dân là mong mỏi của đông đảo nhân dân trên địa bàn tỉnh thì việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ là cần thiết.

Tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương. Qua đó, đưa Khu di tích trở thành Khu du lịch trọng điểm Quốc gia.

Theo đó, khu vực I  (vùng lõi) với diện tích 32,2ha là các di tích trên núi Nghĩa Lĩnh và rừng nguyên sinh được giữ nguyên và tiếp tục bảo tồn theo quy hoạch đã được duyệt. Khu vực II (vùng đệm) với diện tích khoảng 812,8 ha bao gồm sáu phân khu được định hướng phát triển chủ yếu là không gian kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên bảo vệ khu di tích, tổ chức lễ hội và dịch vụ du lịch. Do đó, cuối tháng 10/2021, UBND tỉnh đã có Tờ trình gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh một số phân khu chức năng trong phạm vi diện tích 812,8ha thuộc khu vực II (vùng đệm). Trong đó, khu trung tâm lễ hội cần bổ sung quy hoạch xen ghép các điểm kinh doanh dịch vụ văn hóa phục vụ du lịch (theo quy hoạch ban đầu là các khu vực trồng cây lưu niệm, không gian kiến trúc cảnh quan, chòi nghỉ, đường dạo nội bộ…..). Các công trình đầu tư phục vụ dịch vụ, du lịch phù hợp, đảm bảo không phá vỡ cảnh quan chung của quy hoạch và không ảnh hưởng đến các công trình đã được đầu tư xây dựng. Bổ sung hệ thống đài phun nước tại khu vực Trung tâm trục hành lễ. Nhà Trung tâm thanh thiếu niên Hùng Vương (cũ) cải tạo thành nhà dịch vụ và lưu niệm phục vụ lễ hội hàng năm. Tại phân khu rừng Quốc gia và khu cảnh quan sinh thái phía Bắc, tỉnh đề xuất phương án điều chỉnh cục bộ xây dựng mở rộng một số hạng mục phục vụ giáo dục quốc phòng kết hợp với du lịch trải nghiệm và phòng chống cháy rừng. Khu Tháp Hùng Vương với diện tích 100ha: Điều chỉnh vị trí bãi đỗ xe, kết hợp với khu dịch vụ văn hóa và hệ thống cây xanh cảnh quan. Tại phân khu Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và cảnh quan xung quanh đền thờ Lạc Long Quân, tỉnh đề xuất điều chỉnh từ khu vực cây xanh cảnh quan sang xây dựng các công trình văn hóa thời Hùng Vương và xen ghép các điểm kinh doanh, dịch vụ văn hóa phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Cải tạo, nâng cấp hạ tầng cảnh quan khu Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ cho phù hợp với cảnh quan chung của quy hoạch.

Theo quy hoạch được duyệt, chức năng của khu vực xung quanh chân núi Vặn, núi Trọc và phía Đông chân núi Nghĩa Lĩnh, ven hồ Khuôn Muồi và QL32C hiện có khoảng 200 hộ dân xã Hy Cương sinh sống là khu hạ tầng cảnh quan cây xanh và một số hạng mục công trình dịch vụ du lịch. Nay tỉnh đề xuất phương án điều chỉnh, bổ sung thành khu dân cư hiện trạng giữ lại trong quy hoạch để được cải tạo, sửa chữa nhà ở và tổ chức các hoạt động dịch vụ thương mại, du lịch cộng đồng.

Về giao thông đối ngoại được điều chỉnh tuyến 3 (đường Nguyễn Tất Thành kéo dài kết nối với khu Trung tâm lễ hội), đồng thời điều chỉnh chiều rộng mặt cắt ngang đường từ 33m lên 35m cho phù hợp với dự án đã thực hiện theo quy hoạch chung của thành phố Việt Trì.
Ngày 6/12/2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có Tờ trình số 329/TTr-BVHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh cục bộ các phân khu chức năng của Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025.
Đồng chí Lê Trường Giang - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết: Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng sẽ tạo cho Di tích lịch sử xứng tầm là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, quan trọng bậc nhất của đất nước đáp ứng lòng mong mỏi của người dân Đất Việt hướng về cội nguồn, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh và xây dựng thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam - điểm đến của Du lịch Việt Nam.

(Nguồn: http://baophutho.vn)

0 Bình luận

Loading...