Phát triển sản phẩm du lịch học đường tỉnh Phú Thọ.

10 Tháng 3, 2021 | Nghiên cứu - Trao đổi

Sản phẩm du lịch học đường gắn với chương trình học tập trải nghiệm:

 Sản phẩm du lịch học đường gắn với chương trình học tập trải nghiệm sáng tạo dành cho học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.Giáo dục trải nghiệm - học trải nghiệm là quy trình ‘học thông qua thực nghiệm’, quy trình này bắt đầu với việc thực hành, thực nghiệm và sau đó người học phân tích, suy ngẫm về sự trải nghiệm và kết quả của sự trải nghiệm đó.Không chỉ có tầm quan trọng đối với việc phát triển trí nhớ, giáo dục trải nghiệm còn được chứng minh là giúp cho con người phát triển toàn diện: phát triển kỹ năng quan sát, kỹ năng nhận thức và tư duy, kỹ năng ứng xử, kỹ năng cảm nhận, biểu đạt tình cảm (Toddthe Fitch and Janet Watson 2014).

Tài nguyên du lịch gắn với Sản phẩm du lịch học đường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ:

Phú Thọ - vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt, trung tâm sinh tụ của người Việt cổ thời các Vua Hùng dựng nước Văn Lang- miền đất thiêng liêng cội nguồn dân tộc Việt Nam. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử còn lưu giữ rất nhiều giá trị di sản văn hóa vô cùng phong phú, đặc biệt là các di sản văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương- đặc trưng của vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam. Với dòng chảy văn hóa cội nguồn, Phú Thọ chứa đựng đậm đặc hệ thống di tích lịch sử - văn hóa với 318 di tích được Nhà nước xếp hạng (trong đó Khu DTLS Đền Hùng là Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 73 di tích quốc gia, 244 di tích cấp tỉnh), lễ hội dày đặc với 369 lễ hội (254 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hóa). Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào của Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung. Đây là những giá trị di sản quý báu để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh hiểu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt, nước Việt.

TRAI NGHIEM LAN DIEU XOAN-3-ANH TUAN-

Trải nghiệm làn điệu Xoan(Ảnh: Anh Tuấn)

Tỉnh Phú Thọ được biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi vinh dự được 9 lần đón Bác Hồ về làm việc, hoạt động cách mạng và thăm động viên nhân dân tại các huyện như: Lâm Thao, Tam Nông, Đoan Hùng, Thanh Thủy…; nơi đây còn ghi dấu những chiến thắng oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước như Chiến thắng Sông Lô, Chiến thắng Tu Vũ, chiến thắng Chân Mộng – Trạm Thản….Đây chính là những địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ tiếp bước cha ông, xây dựng đất nước và bảo vệ chủ quyền Quốc gia toàn vẹn, phát triển bền vững.

 Phú Thọ hiện có gần 50 dân tộc (Kết quả điều tra dân số tháng 4/2019), trong đó có 04 dân tộc thiểu số tụ cư sinh sống thành làng/bản và thực hành văn hóa truyền thống của dân tộc mình: Mường, Dao, Cao Lan và H’Mông.Tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng là chương trình trải nghiệm, khám phá, học tập thực tế bổ ích dành cho học sinh, sinh viên.

Được thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Phú Thọ có nhiều sản vật quý như Bưởi Đoan Hùng, Chè Phú Thọ, cá Lăngsông, Bánh chưng bánh giầy…, các làng nghề sản xuất sản phẩm, nông cụ phục vụ đời sống của nhân dân cũng phát triển đa dạng như: nghề mộc, nghề làm nón lá, nghề trồng rau an toàn, nghề làm lưới, nghề đan lát…. Việc tổ chức cho học sinh, sinh viênđến học tập, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất, làng nghề giúp các em hiểu sâu sắc hơn về đời sống lao động của nhân dân, thêm yêu quê hương đất nước và yêu – trân quý giá trị lao động.

Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ còn có các tài nguyên du lịch hấp dẫn nhà đầu tư và cộng đồng xây dựng thành sản phẩm phục vụ du khách và học sinh – sinh viên trải nghiệm như: Du lịch cộng đồng VQG Xuân Sơn, Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng Hùng Lô, Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh…

Thực trạng phát triển Sản phẩm du lịch học đường tỉnh Phú Thọ:

Nhiều năm trở lại đây, Sản phẩm du lịch học đường tỉnh Phú Thọ có những dấu hiệu phát triển tích cực, các chương trình trải nghiệm dành cho học sinh được các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh quan tâm tổ chức với quy mô rộng hơn và nội dung tham quan, trải nghiệm nhiều hơn về các điểm di tích, làng nghề trên địa bàn tỉnh như: Khu DTLS Đền Hùng, Khu Di tích Đền thờ Tổ mẫu Âu Cơ, Miếu Lãi Lèn, Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng Hùng Lô, Đền thờ Vũ Thê Lang, Bảo tàng Hùng Vương, Bảo tàng Quân khu 2,  Di tích lưu niệm nhà thơ Bút Tre, làng nghề nón lá Sai Nga, Di chỉ khảo cổ xóm Dền và làng nghề nón lá Gia Thanh, Làng nghề chế biến thực phẩm Hùng Lô…

Thời điểm tổ chức các chương trình dành cho học sinh từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm; thời gian cho các chương trình trải nghiệm thường là ½ ngày đến 01 ngày; nội dung học tập gồm có hoạt động tham quan, trải nghiệm, nghe thuyết minh giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa, tham gia hoạt động tập thể như trò chơi dân gian, xem trình diễn hát Xoan, trải nghiệm cùng các hoạt động cộng đồng như gói bánh chưng, làm nón lá…qua các hoạt động này giúp học sinh nâng cao hiểu biết về văn hóa truyền thống, rèn luyện kỹ năng tham gia hoạt động tập thể, làm chủ bản thân…

Bên cạnh những dấu hiệu tích cực, việc phát triển sản phẩm du lịch học đường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn một số khó khăn như: các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động tổ chức chương trình học tập trải nghiệm cho học sinh chưa nhiều, chất lượng chưa đồng đều, nội dung học tập trải nghiệm chưa thật sự đặc sắc và đổi mới, còn chưa có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ điều kiện và được cấp phép tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm; tỉ lệ các cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm tại các di tích lịch sử văn hóa trong tỉnh chưa thường xuyên, liên tục; điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ tại các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề chưa đồng đều, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu về thuyết minh - hướng dẫn, kịch bản cho hoạt động trải nghiệm…

Giải pháp phát triển Sản phẩm du lịch học đường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và ứng dụng mạng xã hội trong việc giới thiệu về ý nghĩa, giá trị nội dung sản phẩm du lịch học đường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;

Thứ hai, lựa chọn một số điểm di tích lịch sử, điểm tham quan thắng cảnh, làng nghề tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, tập trung hoàn thiện các điều kiện tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu học tập trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên như: công trình kiến trúc văn hóa di tích lịch sử, nơi đỗ phương tiện, khu đón tiếp dành cho hoạt động tập thể, thuyết minh viên, kịch bản và thiết bị tổ chức hoạt động trải nghiệm, vệ sinh môi trường…;

Thứ ba, có chủ trương thống nhất chỉ đạo các cơ sở giáo dục trong tỉnh quan tâm, xây dựng nội dung học tập trải nghiệm gắn với các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số… tại mỗi địa phương và trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giúp cho học sinh, sinh viên có cơ hội tìm hiểu, học tập thực tế chính tại quê hương, để các em thêm yêu mảnh đất nơi mình sinh sống và giá trị văn hóa vùng đất Tổ;

Thứ tư, hướng dẫn, vận động, khuyến khích và hỗ trợ ban đầu đối với các đơn vị, doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng chương trình, kịch bản tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, tạo động lực, điều kiện thuận lợi để các đơn vị triển khai nhiều chương trình, đến nhiều di tích, danh thắng của tỉnh, là cơ sở để thu hút thêm các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục các tỉnh lân cận tổ chức cho học sinh về Phú Thọ học tập trải nghiệm.

Học sinh, sinh viên trong tỉnh được học tập trải nghiệm trước, thu hút học sinh sinh viên ngoài tỉnh về tham gia, đây chính là cơ hội để phát triển Sản phẩm du lịch học đường tỉnh Phú Thọ, một loại hình sản phẩm du lịch trọng tâm của tỉnh cần tập trung triển khai, góp phần khắc phục tính mùa vụ của Du lịch Phú Thọ, phát triển toàn diện hơn các hoạt động du lịch trong thời gian tới./.

Ths. Phùng Thị Hoa Lê- Sở VHTTDL Phú Thọ.

0 Bình luận

Loading...