Xây dựng Khu du lich Quốc gia Đền Hùng xứng tầm lợi thế tiềm năng

25 Tháng 2, 2021 | Nghiên cứu - Trao đổi

Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng với phạm vi là thành phố Việt Trì trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Thọ, là vùng đất có bề dầy lịch sử và truyền thống cách mạng. Nơi các Vua Hùng đã chọn làm kinh đô của nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.

 Với vị trí nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Bắc, thuộc vành đai của các tuyến trục giao thông quan trọng Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì có vị trí địa lý mang ý nghĩa là trung tâm tiểu vùng Tây - Đông - Bắc, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam và hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Trung Quốc. Vị trí địa lý Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì hội tụ các điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao thương với các vùng trong nước và quốc tế, đem lại lợi thế trong mối liên kết vùng phát triển du lịch. Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì là trung tâm trung chuyển khách từ thủ đô Hà Nội đến các tỉnh Tây Bắc và đến các khu, điểm du lịch nội tỉnh như Vườn quốc gia Xuân Sơn, Khu Du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, Khu Du lịch đầm Ao Châu...

Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì với tài nguyên du lịch văn hóa tiêu biểu, có giá trị gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước, đặc biệt chứa đựng trong mình hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng có ý nghĩa chính trị quốc gia, mang giá trị lịch sử - văn hóa đặc biệt, độc đáo; là tâm điểm, là điểm đến của rất nhiều chương trình du lịch về nguồn của cả nước, gắn liền với lịch sử dựng nước của Vua Hùng - Tổ tiên dân tộc Việt Nam. Lễ hội Đền Hùng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta. Lễ hội Đền Hùng là lễ hội duy nhất được đưa vào danh mục các ngày lễ lớn của đất nước được quy định tổ chức có tính chính thống cấp quốc gia. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với sự “Hội tụ” sâu sắc nhất nghĩa “Đồng bào”, ý thức cội nguồn của hàng triệu triệu người dân đất Việt và sự “lan tỏa” mạnh mẽ từ Đền Hùng, hàng năm không chỉ hàng triệu con dân đất Việt hành hương về Đền Hùng Giỗ Tổ, mà còn thu hút đông đảo du khách trong, ngoài nước và kiều bào ta ở nước ngoài hướng về cội nguồn dân tộc.

Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì là một trong 6 khu du lịch quốc gia trên cả nước đã được ký quyết định công nhận. Với mục tiêu xây dựng Khu Du lịch quốc gia quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì gắn với thực hiện mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc công nhận Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sự phát triển du lịch đầy tiềm năng của thành phố Việt Trì và của cả tỉnh Phú Thọ.

Tỉnh Phú Thọ đã và đang dành nhiều ưu tiên tập trung đầu tư trọng điểm cho Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì cả về nhân lực, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ chế thu hút đầu tư. Việc giữ vững và phát huy 5 điều kiện của Khu Du lịch Quốc gia là động lực thúc đẩy sự đổi mới, đồng bộ về công tác quản lý chuyên ngành, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, nhân lực, chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm du lịch dịch vụ… Trong những năm gần đây, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã được quan tâm đầu tư, xây dựng, tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục công trình như: Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Giếng, bậc lên xuống núi Nghĩa Lĩnh, cổng trung tâm Lễ Hội, trục hành lễ, bãi đỗ xe, cải tạo hệ thống ao hồ sinh thái, đường dạo, vườn hoa, cây cảnh; tập trung mọi nguồn lực để khai thác có hiệu quả các dịch vụ tại chỗ trong quần thể Di tích lịch sử Đền Hùng phục vụ nhu cầu của khách tham quan như các dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn, vận chuyển khách bằng xe ô tô điện, dịch vụ ăn uống, bán hàng, lưu trú, chụp ảnh...; xây dựng và quy hoạch lại hệ thống các quầy, ki ốt kinh doanh dịch vụ với quy mô và kiến trúc tương xứng với vị thế và tầm vóc của một khu di tích quốc gia đặc biệt, khu du lịch quốc gia. Thành phố Việt Trì được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị xanh sạch đẹp khang trang hiện đại; tăng cường kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia; hệ thống lưới điện, hệ thống cung cấp nước sạch đồng bộ; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch; hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo về giao thông, các cơ sở dịch vụ, các điểm tham quan, các điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường,  nhà vệ sinh công cộng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật được đảm bảo… các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đều đáp ứng yêu cầu phục vụ ngày càng cao của khách du lịch.

Hàng năm Khu Du lịch Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì thu hút từ 6-8 triệu lượt khách du lịch từ khắp mọi miền đất nước đến tham quan và thực hành tín ngưỡng; năm 2019 đón và phục vụ 475.800 lượt khách lưu trú chiếm 78% lượt khách lưu trú toàn tỉnh, tổng thu từ du lịch, dịch vụ đạt 2.829 tỷ đồng chiếm 82% tổng thu từ du lịch của tỉnh. Thành phố Việt Trì có số lượng cơ sở lưu trú du lịch tập trung cao nhất trong toàn tỉnh với 134 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 19 khách sạn từ đáp ứng điều kiện tối thiểu đến 5 sao; 18 đơn vị kinh doanh lữ hành trong đó có 15 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa và 03 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế; 02 tuyến phố ẩm thực; trên 10 nhà hàng từ 300 – 700 ghế trở lên, gần 40 nhà hàng từ 100 ghế trở lên, ngoài ra còn hàng trăm nhà hàng quy mô vừa và nhỏ; các cơ sở vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, thiết chế thể thao cũng được đầu tư khai thác đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch. Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì đã khai thác tốt nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tiêu biểu với trọng tâm là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng và 2 giá trị văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được tổ chức UNSCO công nhận gắn với các điểm du lịch văn hóa phụ cận cùng với điều kiện kinh tế xã hội hạ tầng kỹ thuật du lịch trên địa bàn thành phố Việt Trì để xây dựng, khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch phong phú như: Du lịch văn hóa tâm linh, du lịch đường thủy, du lịch MICE tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa, thể thao du lịch gắn với thăm quan các điểm du lịch, du lịch học đường, du lịch trải nghiệm hoạt động làng nghề thưởng thức Hát Xoan Phú Thọ...

Để Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng phát huy được lợi thế, tiềm năng góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch Phú Thọ phát triển bền vững cần triển khai thực hiện các giải pháp tập trung thu hút nguồn lực đầu tư các dự án du lịch dịch vụ với kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại; hình thành các khu điểm du lịch với sản phẩm du lịch đặc trưng có lợi thế cạnh tranh tạo sức thu hút khách du lịch có lưu trú, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch chất  lượng sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch… gắn với thực hiện mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

Xây dựng và phát triển thành phố Việt Trì, bao gồm cả Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam theo hướng đồng bộ, bền vững cả về cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hội tụ các điều kiện tốt nhất thực hành di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và các di sản văn hóa vùng đất Tổ đã được UNESCO ghi danh, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu văn hóa tín ngưỡng chính đáng của nhân dân, củng cố tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận của toàn dân tộc Việt Nam. Tạo dựng và hình thành môi trường văn hóa, môi trường sống đặc trưng vùng đất Tổ: cởi mở, thân thiện, đoàn kết; có quy chế quản lý đô thị văn minh và được thực hiện theo tinh thần “thượng tôn pháp luật”; các thành phần tham gia hoạt động lễ hội bảo đảm chuẩn mực về văn hóa ứng xử, văn hóa thương mại và ý thức gìn giữ an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Hình thành và phát triển không gian lễ hội bảo đảm kết hợp hài hòa với không gian phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với quy hoạch chung thành phố Việt Trì và quy hoạch tỉnh Phú Thọ, trên cơ sở giữ gìn bản săc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất, đồng bộ, liên ngành trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cho phát triển du lịch; gắn các hoạt động lễ hội với các hoạt động dịch vụ, du lịch.

Khôi phục, duy trì và phát huy các di tích, di sản văn hóa và lễ hội truyền thống: Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học về các giá trị văn hoá và giá trị các lễ hội truyền thống của lễ hội; xây dựng kế hoạch, chương trình, đổi mới phương thức tổ chức lễ hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động lễ hội phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội. Hình thành và xây dựng không gian trung tâm lễ hội: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng - Trung tâm thành phố Việt Trì - Bến Gót, Bạch Hạc; chú trọng phát triển không gian lễ hội tại các xã phường, khu dân cư. Khôi phục các làng nghề truyền thống; khai thác hiệu quả không gian xanh bãi bồi ven sông Lô và sông Hồng để tăng cường các khu chức năng dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa ẩm thực. Xây dựng các công viên giải trí, công viên sinh thái, kết nối liên hoàn với hệ thống cây xanh đô thị, cây xanh tự nhiên tại các khu vực làng, xã để tạo cảnh quan môi trường. Xây dựng cơ sở hạ tầng, không gian đô thị, nhất là cơ sở hạ tầng về dịch vụ, thương mại trực tiếp phục vụ khách du lịch. 

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai xây dựng công viên Văn Lang theo quy hoạch 1/500. Cải thiện, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị của thành phố; phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối giao thông đối nội và đối ngoại thuận lợi, nhất là vào các ngày có lễ hội. Nghiên cứu, bố trí cảng hành khách mới trên sông Hồng tại phía Nam đô thị Việt Trì. Phát huy công năng sử dụng của các công trình thuộc quần thể Trung tâm thể dục thể thao tỉnh, Nhà văn hóa tỉnh, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa khu dân cư, bảo tàng gắn với các hoạt động của lễ hội. Hoàn thiện việc cải tạo Thư viện tỉnh, rạp chiếu phim tỉnh. Nâng cấp, cải tạo hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng đô thị, hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải, vệ sinh môi trường và hạ tầng kỹ thuật khác.

 Thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường hợp tác, liên kết với các địa phương, quốc gia có các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu các giá trị văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo cho thành phố lễ hội. Phát triển các loại hình du lịch mới, phù hợp với điều kiện của thành phố, như: Du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu, khám phá văn hoá truyền thống vùng đất Tổ (kiến trúc, ẩm thực truyền thống, văn hoá văn nghệ dân gian, trang phục cổ truyền, các truyền thuyết còn lưu truyền...), du lịch nghiên cứu các di sản văn hoá thế giới (Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Hát Xoan Phú Thọ). Xây dựng các chương trình, tuyến du lịch kết nối các điểm di tích, di sản trong tỉnh với các trọng điểm du lịch trong vùng Tây Bắc và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thu hút mạnh hơn, thường xuyên hơn và mở rộng hơn sự tham gia của các địa phương, các dân tộc trong nước vào các hoạt động lễ hội và tổ chức lễ hội để thành phố Việt Trì thực sự là thành phố lễ hội về với cội nguồn đặc trưng của Việt Nam. Tiếp tục duy trì, kết nối các hoạt động hợp tác quốc tế về di sản văn hóa nói chung và bảo vệ phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng, tạo điều kiện cho di sản được giới thiệu, tôn vinh, chủ thể văn hóa được giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế.

Xây dựng Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng xứng tầm lợi thế tiềm năng với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, không những tạo nên một thương hiệu mạnh mẽ, bền vững cho du lịch Phú Thọ mà còn góp phần quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Ths. Vũ Thị Hoài Phương- Phó GĐ Sở VHTTDL

 

0 Bình luận

Loading...