Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vùng Đất Tổ gắn với phát triển du lịch

25 Tháng 2, 2021 | Nghiên cứu - Trao đổi

Phú Thọ mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, hiện đang lưu giữ 2/12 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh, bao gồm Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Đó là niềm tự hào của quê hương Đất Tổ.

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về hàng triệu du khách từ mọi miền đất nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài lại nô nức hành hương về đất Tổ, nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam, nơi các vua Hùng khai hoang lập ấp, mở mang bờ cõi, lập nên Nhà nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, nơi thấm đượm hồn thiêng sông núi để tri ân công đức tổ tiên và các vua Hùng đã có công dựng nước. Phú Thọ hiện có 1.841 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được lưu giữ hàng nghìn năm với những giá trị đặc trưng mang đạm dấu ấn nền văn minh nông nghiệp lúa nước, thể hiện những giá trị của nền văn hóa có từ lâu đời, lưu giữ dấu ấn của mọt thời kỳ rực rỡ văn hóa thời đại Hùng Vương. Trong 870 di sản văn hóa phi vật thể được lưu giữ có hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ đang trở thành niềm tự hào, là bản sắc riêng có của người dân đất Việt với bạn bè quốc tế. Với những giá trị độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện, di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mà tâm điểm là lễ hội Đền Hùng đang là lời mời gọi mãnh liệt, là điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, là sản phẩm du lịch độc đáo trong chương trình du lịch về nguồn cội. Về với miền quê đất Tổ, du khách sẽ được trải nghiệm những giá trị nguyên bản của hai di sản quý giá này.

1. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại ngày 6/12/2012: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ xa xưa, từ một tập quán mang bản sắc văn hóa của cộng đồng với triết lý “con người có tổ có tông” được trao truyền từ đời này qua đời khác đã trở thành một nghi lễ dân gian mang tính quốc gia ở Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là điểm hội tụ văn hóa tâm linh, là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là sợi dây liên kết giữa quá khứ - hiện tại - tương lai của lịch sử mà còn là sợi dây liên kết chặt chẽ giữa con người, giữa cộng đồng và các dân tộc trong thực tại. Với truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, dân tộc Việt Nam cùng chung một cội nguồn, chung một dòng máu lạc hồng, là những người con cùng một bọc, nghĩa “đồng bào” từ đó mà sinh ra. Tiêu biểu nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm tại khu di tích lịch sử đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì (Khu di tích đã được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt). Lễ giỗ Tổ Hùng Vương cũng được tổ chức trên khắp mọi miền của đất nước nhất là những nơi có di tích thờ Hùng Vương (hiện nay trên cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Vua Hùng). Biểu tượng Vua Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hình tượng của một ý thức hệ dân tộc sâu sắc như một sự minh triết được lưu truyền qua nhiều thế hệ, kết tinh thành truyền thống văn hóa, ý thức hệ của quốc gia tự chủ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ, cái cao cả mà con người luôn ước vọng, tôn thờ. Từ khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ghi danh, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể này và cam kết thực hiện chương trình hành động nhằm bảo vệ sức sống, sự lan tỏa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Đặc biệt là công tác phục hồi không gian thờ tự, những nghi lễ, diễn xướng liên quan đồng thời khuyến khích việc trao truyền, thực hành nghi lễ, tín ngưỡng cho các thế hệ nhằm giáo dục ý thức về nguồn cội và đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt để di sản mãi mãi được trường tồn và phát huy giá trị trong đời sống đương đại.

2. Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:

Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa thuộc loại hình diễn xướng dân gian gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Hát Xoan còn gọi là Khúc môn đình, là lối hát thờ thần, thường được tổ chức vào mùa xuân để đón chào năm mới. Hát Xoan khi trình diễn đầy đủ thường có có 3 chặng hát: Hát thờ - tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân với nước; Hát nghi lễ - hát về các nhân vật lịch sử, ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống lao động sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng qua 14 làn điệu khác nhau (còn gọi là quả cách); hát Hội - hát giao duyên, bày tỏ khát vọng cuộc sống, tình yêu nam nữ với những làn điệu đậm chất trữ tình vui nhộn qua hình thức hát đối đáp giữa các Đào, Kép và trai gái làng sở tại... Bài bản Xoan được kết hợp hài hòa giữa thơ, nhạc và giọng điệu. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện còn lưu giữ được 31 bài bản Hát Xoan tại 4 phường Xoan gốc (An Thái, Thét, Phù Đức và Kim Đái). Các làn điệu Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm bộ Văn Lang, thời các Vua Hùng dựng nước. Hát Xoan là nghệ thuật diễn xướng với đầy đủ các dạng thức nhạc hát: hát nói, hát ngâm, hát đối và lĩnh xướng. Trong hát Xoan, múa và hát luôn đi cùng và kết hợp với nhau, dùng điệu múa để minh họa cho lời ca. Hát Xoan thực sự là loại hình nghệ thuật có giá trị văn hóa cao và đang được các phường Xoan gốc: Phù Đức, Thét, Kim Đái, An Thái lưu truyền, gìn giữ và phát huy một cách tự nguyện, đồng thời có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng rộng lớn cả về nghệ thuật diễn xướng và không gian văn hóa. Hơn thế, hát Xoan đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh “cầu mong hạnh phúc an hòa” trong mỗi người dân và cả nhu cầu tinh thần cho du khách bốn phương mỗi mùa trẩy hội. Chính vì giá trị nghệ thuật ấy mà ngày 8 tháng 12 năm 2017, UNESCO chính thức công bố ghi danh Hát Xoan Phú Thọ - Việt Nam vào di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

3. Công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ:

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã xác định bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, vì vậy lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách, quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, đã có nhiều di sản của Phú Thọ được vinh danh, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến. Trong đó phải kể đến thành công trong xây dựng, bảo vệ hồ sơ khoa học và được UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nỗ lực xây dựng và bảo vệ thành công 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: Lễ hội Trò Trám, Lễ hội Đào Xá, Lễ hội Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ, Lễ hội Đền Lăng Sương, Nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt và Lễ hội Đền Tam Giang, lễ hội đền Chu Hưng, lễ cấp sắc của người Dao tiền, nghề làng nón lá Sai Nga, Nghi lễ têt nhả của người Dao quần chẹt huyện Yên Lập. Công trác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm chú trọng. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tỉnh cũng tích cực thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bảo vệ di sản văn hóa nhằm khơi dậy những tiềm năng, thu hút sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Tính đến nay có 190/320 di tích đã xếp hạng được thực hiện tu bổ, tôn tạo.

Để di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng được bảo tồn, nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngoài sự quan tâm tích cực của chính quyền địa phương cũng cần có sự tham gia gìn giữ của cộng đồng với tư cách là chủ thể di sản. Với hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, cộng đồng đã đóng vai trò chủ đạo để bảo tồn và phát huy giá trị sau khi được ghi danh. Trong việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và quá trình trao truyền di sản cho thế hệ trẻ, các cụ cao tuổi, có uy tín ở địa phương đóng vai trò chính. Hàng năm, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, từ ngày 6 - 3 âm lịch là ngày giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, các cụ trong Hội người cao tuổi xã Chu Hóa đã tập luyện công phu trong nhiều tháng, thành kính tổ chức tế lễ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân nhằm ca ngợi công đức của các bậc tiền nhân có công dựng nước và nhắc nhở thế hệ mai sau ghi nhớ về cội nguồn. Trước đây việc bảo tồn và duy trì tín ngưỡng thờ cúng Hùng tại các làng, thôn, khu dân cư chủ yếu thuộc lứa tuổi trung niên trở lên, từ khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được ghi danh, thành phần tham gia thực hành tín ngưỡng được mở rộng đến lực lượng thanh niên, trai tráng trong làng, thôn. Trong bảo vệ di sản văn hóa Hát Xoan, lực lượng nòng cốt trong việc truyền dạy hát Xoan đã chuyển từ các nghệ nhân cao tuổi sáng lớp nghệ nhân kế cận, lớp nghệ nhân này phần lớn ở độ tuổi trung niên, bắt đầu thực hành hát Xoan trong thời kỳ phục hồi di sản, được lĩnh hội nghệ thuật hát Xoan trực tiếp từ các nghệ nhân lớp trước. Từ năm 2011, với sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng, hát Xoan đã được phục hồi và lan tỏa rộng dần: năm 2009 trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (từ 80 đến 104 tuổi), chỉ có 07 nghệ nhân có khả năng truyền dạy, đến năm 2015 tại 04 phường xoan gốc có 249 thành viên, năm 2017 có 330 thành viên có khả năng truyền dạy hát Xoan. Từ năm 2015 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan Phú Thọ cho 66 cá nhân; 06 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân, 34 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú; 40 nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa dân gian đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Các phong tục tập quán, nghi lễ liên quan đến hát Xoan và không gian trình diễn Xoan được phục hồi tại nhiều địa phương với việc khôi phục, tu bổ các di tích, các lễ hội liên quan đến hát Xoan, tục nước nghĩa độc đáo của các phương Xoan cũng được khôi phục.

4. Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Mối quan hệ giữa di sản văn hóa và kinh tế thực chất là mối quan hệ giữa bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch. Đây là mối quan hệ cộng sinh: Di sản văn hóa là tài nguyên cho du lịch khai thác; du lịch góp phần quảng bá di sản, làm cho di sản sống trong cộng đồng và tạo ra nguồn lực kinh tế để quay lại đầu tư cho công tác bảo vệ di sản.

Thực tế đã chứng minh, nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, vừa là động lực vừa là mục tiêu cho sự phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, đồng thời, từng bước làm thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương nơi có di sản, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững. Có thể kể đến như tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2019 tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt 4,8 triệu lượt, tăng gần 11% so năm trước, khách lưu trú đạt 2,2 triệu lượt, tăng 5,1%. Doanh thu ngành dịch vụ du lịch đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 9,6%. Doanh thu xã hội từ du lịch đạt 12.250 tỷ đồng. Ngày nay, trên bản đồ du lịch Việt Nam, Huế trở thành điếm đến hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách quốc tế khi tham quan Việt Nam; kết quả đạt được là thành quả của sự nỗ lực của cả chính quyền và cộng đồng dân cư trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa sau khi được UNESCO ghi danh.

Ở Phú Thọ, hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc trưng cho vùng đất Tổ. Trong những năm qua, sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh được duy trì và phát triển trên cơ sở khai thác giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, gắn với giá trị tiêu biểu của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, di tích văn hóa Miếu Lãi Lèn - thành phố Việt Trì, Đền Mẫu Âu Cơ - huyện Hạ Hòa và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, hạ tầng giao thông được nâng cấp, các di tích được cải tạo tu bổ, các hoạt động văn hóa lễ hội được chỉ đạo tổ chức hiệu quả, an toàn, đổi mới, hấp dẫn, các hoạt động dịch vụ thương mại được định hướng nâng cao chất lượng và quản lý chặt chẽ, an ninh trật tự được đảm bảo tạo sự hài lòng cho du khách khi đến tham quan và thực hành tín ngưỡng. Các chương trình du lịch văn hóa được xây dựng và khai thác phục vụ khách như "City tour Việt Trì", "Tour du lịch hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ", "Hát Xoan Làng cổ" gắn với trải nghiệm làng nghề thu hút được lượng lớn khách tham quan tìm hiểu; Hành trình về nguồn; Chương trình du lịch học đường gắn với giáo dục di sản; Chương trình du lịch quốc tế đường sông duy trì ổn định bình quân 1 - 2 đoàn khách/tháng với loại hình du lịch văn hóa - trải nghiệm làng nghề; xây dựng chương trình “Khám phá di sản văn hóa vùng đất Tổ”; “Chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng” liên kết giữa 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Lai... đã để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách trong nước và quốc tế. Thông qua các chương trình du lịch, khách du lịch trong nước, quốc tế có nhiều điều kiện để tiếp cận với di sản văn hóa vùng đất Tổ cùng với hoạt động tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa cội nguồn được tăng cường đẩy mạnh, nhiều hoạt động dịch vụ tham quan du lịch gắn với di sản văn hóa được xây dựng và khai thác hiệu quả phục vụ khách thăm quan du lịch.Hàng năm Phú Thọ thu hút lượng lớn khách hành hương, tham quan du lịch đạt 6,5 - 7,5 triệu lượt khách mỗi năm, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh của du lịch Đất Tổ.

Hoạt động kinh doanh du lịch đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Năm 2019, phục vụ 610.000 lượt khách lưu trú, tăng 1,6% so kế hoạch năm (kế hoạch năm 600.000 lượt khách), trong đó đón 7.800 lượt khách lưu trú quốc tế tăng 11,4% so với kế hoạch năm (kế hoạch đón 7.000 lượt khách); doanh thu du lịch dịch vụ khách sạn nhà hàng năm 2019 đạt 3.450 tỷ, tăng 1,4% so với kế hoạch năm (kế hoạch năm là 3.400 tỷ đồng), thu hút 3.850 lao động trực tiếp, đạt 100% kế hoạch (kế hoạch năm là 3.850 lao động). Tuy nhiên, năm 2020 ảnh hưởng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút nCoV gây ra có tác động trực tiếp ngừng trệ hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, do đó kết quả hoạt động kinh doanh du lịch bị sụt giảm: Đón và phục vụ 1,1 triệu lượt khách tham quan, đạt 13% so kế hoạch; lượt khách lưu trú là 394.700 lượt, đạt 58% so với kế hoạch đề ra; ngày khách là 435.400 ngày khách, đạt 58% so với kế hoạch; doanh thu du lịch là 1.520 tỷ đồng, đạt 40% so với kế hoạch. Lao động trực tiếp ngành du lịch là 2.000 người.

Những kết quả đạt được về công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ trong những năm qua cho thấy sự đóng góp to lớn của các di sản trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân cư nơi có di sản. Di sản được coi là nguồn lực hấp dẫn của du lịch, phát triển du lịch gắn với di sản văn hóa còn góp phần bảo vệ và phát huy có hiệu quả giá trị của hệ thống di sản văn hóa vùng đất Tổ./.

TS. Nguyễn Đắc Thủy- Giám đốc Sở VHTTDL

 

0 Bình luận

Loading...