Bàn về việc nghiên cứu câu đối Đền Hùng

23 Tháng 6, 2020 | Nghiên cứu - Trao đổi

Thể văn câu đối gồm ba loại văn tự đó là câu đối chữ Hán, câu đối chữ Nôm và  câu đối chữ Quốc ngữ.

Câu đối chữ Hán có cách đây hàng ngàn năm.

Câu đối chữ Nôm có từ thời nhà Trần. Còn câu đồi chữ Quốc ngữ cách đây đã trên một trăm năm.

Đến nay các tập san, báo chí thường đăng các câu đối bằng chữ Quốc ngữ trong các dịp Tết Nguyên Đán, giỗ Tổ Hùng Vương, chào mừng Đại hội…

Đặc thù của thể câu đối là mỗi tác phẩm chỉ có hai câu (về sau gọi là hai vế đối). Mỗi câu đối nhiều là vài chục chữ. Có khi mỗi vế đối chỉ có vài chữ mà đã trọn vẹn một tác phẩm. Nhiều tác giả lừng danh vì câu đối có ý hay, lời đẹp.

Một đặc biệt nữa là người viết chữ, khắc chữ trên giấy, trên gỗ sơn, trên

tường trụ đá, nhà thư pháp đó có bàn tay vàng cũng lừng danh mãi.

Câu đối bố cục rất chặt chẽ, câu trên phải đối với câu dưới sao cho thanh đối thanh, ý đối ý và lời đối lời (từ loại đối từ loại). Niêm luật chặt chẽ, chọn từ, lời văn phong phú. Câu đối từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi tầng lớp từ nhà trí thức tới thường dân. Thậm chí người không biết chữ, ngày trước họ cũng đến các nhà khoa cử xin câu đối về để treo ở nhà.

Tác phẩm câu đối dù trên sách báo, dù treo ở đình, đền, chùa, miếu, nhà từ đường… đã phản ánh cô đọng về đạo lý sách lược, tư tưởng, tình cảm, đạo đức của nhân dân.

Câu đối Đền Hùng hầu hết là chữ Hán, chỉ có một câu đối Nôm khắc trên trụ trước cửa lăng ghi là: “Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà non nước vẫn quay về Đất Tổ. Văn Minh đương đổi mới, con Hồng, cháu Lạc giống nòi còn không biết khấn mồ ông”.

Năm 1997 tôi xuống các xã sưu tầm văn học Hán Nôm đến nhà cụ Đinh Văn Mơ 94 tuổi. Cụ đưa tôi quyển sách bằng chữ Hán về các câu đối Đền Hùng của bố cụ năm 1920. Riêng câu đối Nôm trên đây chỉ khác có một chữ “ Nhớ”, sách cụ ghi là chữ “ Khấn mồ ông”. Tôi về viện Hán Nôm báo cáo với Giáo sư Đào Thái Tôn là sự sai khác đó. Giáo sư Tôn nói rằng nghĩa chữ “ Khấn” hay hơn chữ “Nhớ”. Nghiên cứu văn bia Đền Hùng thấy rõ các năm tu sửa lăng Hùng Vương và Đền Thượng vào thời nhà Nguyễn là:

Năm Tự Đức thứ 27(1874)

Duy Tân thứ 3(1900)

Năm Duy tân thứ 6 (1912)

Duy Tân thứ 8 (1915)

Và Khải Định năm thứ 7(1922).

Tôi đã đối chiếu 19 câu đối ở Đền Hùng với sách của cụ thấy ngoài chữ “Khấn” ra thì không có chữ nào khác nhau nữa. Vả lại chữ “Khấn” gồm bộ “khẩu” ghép với chữ “khẩn”. Không thể nhầm lẫn chữ “Nhớ” gồm bộ “tâm” ghép với chữ “nữ” được.

Thời gian tu bổ lăng là năm 1922, mà cụ Mơ đi xem hội cùng bố là năm 1920. Bố cụ Mơ chép năm 1920, vậy điều có thể xảy ra là khi tu sửa lần cuối cùng năm 1922 các nhà đương chức viết cho thợ khắc chữ “Nhớ”, điều này có thể xảy ra chăng? Ta cần phải khảo cứu rõ. Một điều đáng quan tâm là báo “Đại đoàn kết” (số 41), và báo “ Người cao tuổi: (số 2), 2 tác giả Nguyễn Kiến và Văn Gia đề cập sửa chữa “Tôn” thành chữ “Tông” ở câu đối trước cửa Đền Thượng(khắc vào trụ tường). Câu đối là: “Thông thông, uất uất trung hữu lăng yên, tẩm yên long phụ, tiên mẫu chi tinh linh khải cửu hậu nhân võng khuyết. Cổ cổ, kim kim kiến thủ sơn dã, thủy dã, thánh tổ thần tôn chi sáng tạo ư hi tiền vương bất vọng”. Nghĩa là: Trong cỏ cây xanh tươi, vẫn có miếu, có lăng, hồn thiêng cha mẹ rồng tiên phù hộ, đời sau không có thiếu sót. Suốt thời gian dằng dặc thấy kìa sông, kìa núi công đức tổ tiên thần thánh, nhớ ơn vua trước chẳng hề quên.

Trước cách mạng nhiều nhà nho đã đọc và giới thiệu các câu đối Đền Hùng. Như cử nhân Lê Văn sáng quê ở Tiện Tân- Duy Tiên năm 1918, trong bài “Du Hùng Vương Sơn, Tiểu dẫn”.

Sau cách mạng nhiều khoa bảng, nhà nghiên cứu Hán Nôm lên thăm và công tác tại Đền Hùng cũng không ai có ý kiến gì. Dũ chữ “Tôn” là tôn trọng tôn kính, tôn thờ và chữ “Tông” là ông Tổ, ông Tông, là dòng giống. Hai chữ này đều là mỹ từ rất hay cả. Tuy nghĩa mỗi chữ có khác. Thời đại nhà Nguyễn rất nghiêm ngặt khi viết lách. Tất nhiên chữ “Tông” không thể viết được vì phạm húy vua Nguyễn Dực Tông(Tự Đức), Nguyễn Giản Tông(vua Kiến Phúc), Nguyễn Cảnh Tông(Đồng Khánh), Nguyễn Hoằng Tông(Khải Định). Sách “Khâm Định Đại Nam hội sự lệ” đã quy định rõ vấn đề này.

Vả lại câu đối trên dịch “Công đức Tổ tiên, “Thần thánh” cũng rất hay. Sưu tầm nghiên cứu cũng phải tuân thủ lịch sử phát triển của văn tự. Ta đừng “vẽ rắn thêm chân”.

Câu đối ở vùng đất Tổ gồm có các câu đối bác học và câu đối dân gian. Câu đối bác học xưa tác giả là những nhà nho, nhà khoa bẳng. Câu đối bác học có giá trị nghệ thuật rất cao. Ngôn từ phong phú, sâu sắc”Ngôn tại, ý ngoại” niêm luật chặt chẽ. Còn câu đối dân gian là do nhân dân, những người có ít vốn văn chương làm ra. Thường câu đối này ý tứ nông cạn, đôi khi về thanh vận, từ vựng không đối sóng, phạm niêm luật.

Sưu tập tới nay có trên 20 câu đối Đền Hùng, toàn bộ câu đối được khắc vào gỗ sơn son, thiếp vàng hoặc khắc vào các cột trụ ở lăng và các đền. Là câu đối của các nhà nho, có địa vị xã hội. Tiến dâng câu dối với các nội dung lớn như:

Ca ngợi đất nước, kinh đô cổ nguy nga, tráng lệ

Tôn sùng 18 chi đời Hùng Vương.

Con cháu “Đồng bào”; nhó ơn Vua là ông Tổ hướng về cội nguồn

Nhớ ơn vợ, con vua và các vị có công lao với đất nước.

Về số lượng từ vựng từng câu đối khác nhau mỗi một nội dung, một phong cách sáng tác. Câu đối nhiều từ nhất là hai mươi ba chữ(đã dẫn ở trên), có sáu câu đốiít chữ nhất là bảy chữ một vế đối. Hiện nay có nhiều bài giới thiệu về câu đối Đền Hùng trong đó in thành sách cũng có. Không hiểu vì lý do chủ quan hay khách quan tác giả giới thiệu Khu Di tích Đền Hùng đã trích dẫn sai nhiều. Một câu đối đã hai lần nhầm, đảo chữ dưới viết trên, chữ trước viết sau. Xin dẫn nguyên văn:

Thông thông, uất uất trung hữu lăng yên, tẩm yên long phục, tiên mẫu chi linh tính hữu ngã hậu nhân võng khuyết.

Cổ cổ kim kim(mất chữ kiến) thủ sơn dã thủy dã thánh tổ thần Tông chi sáng tạo y hi tiền vương bất vong

Viết như trên làm sao nhà dịch thuật có thể dịch ra ngôn ngữ tiếng Việt chính xác được. Không nên nhầm lẫn chữ “Tác” thành “Tộ” làm cho nguyên tác không còn là nguyên tác của tác phẩm ban đầu nữa. Trích dẫn và dịch không phải “Diệt” văn tự gốc mà phổ biến, giói thiệu rõ văn tự gốc.

Trong đền Thượng có câu đối:

          Thử địa thử sơn Nam quốc kỷ

          Ngô Vương ngô tổ Bắc thần tôn

Có bản dịch là:

          Đất này, núi này bờ cõi nước Nam

          Vua ta Tổ ta phương Bắc nể về

Cách dịch này không phải là dịch câu đối chữ Hán ra câu đối chữ QUốc ngữ. Mà chỉ dịch ý của câu.

Văn đề đặt ra là cụm đại danh từ “Bắc thần” hiểu sao cho chính xác. Nếu nói là “phương Bắc thì đồng bào phương Nam miền Trung cũng nể vì lắm chứ!

Vì con cháu Lạc Hồng là cả “ba kỳ” và có cả quốc tịch ở nước ngoài nữa đều “nể vì” tôn thờ Hùng Vương.

Các nhà đại nho xưa, khi tiến dâng câu đối cũng được các bậc túc nho chức trách duyệt kỹ rồi mới được rước về Đền Hùng để tôn kính thờ tự. Cụm đại danh từ “Bắc thần” là đất phương Bắc, nơi đây có lăng tẩm, đền thờ các Vua Hùng, cổ kính, nguy nga, tráng lệ. Cụm đaị danh từ “Nam quốc” ở câu trên đối với “Bắc thần” câu dưới và cả câu đối có nội dung là:

Đất này, núi này nước Nam đã ghi sử sách

Vua cũng là ông Tổ, cố đô tại đất Bắc, con cháu tôn thờ

 Xin dịch ra câu đối Quốc ngữ là:

   Sông núi đất này bờ cõi Việt

Vua là ông Tổ con cháu thờ

Việc dịch thuật là giữ được cái nội dung và hồn thơ, nhạc điệu của nguyên tác. Còn tác giả có quyền thổi sáo cấu trúc, thành tác phẩm thứ hai của mình. 

Bài: Nguyễn Ngọc Tăng - CHT Chi hội VNDG H.Lâm Thao

0 Bình luận

Loading...