Xây dựng Đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương, tạo sức hút về Văn hóa ẩm thực, góp phần phát triển Du lịch Phú Thọ

01 Tháng 10, 2019 | Nghiên cứu - Trao đổi

ThS. Phùng Thị Hoa Lê

Giám đốc Trung tâm TXT Du lịch

Tỉnh Phú Thọ tập trung phát triển 03 dòng sản phẩm du lịch là: Du lịch Văn hóa tâm linh trên địa bàn thành phố Việt Trì và huyện Hạ Hòa; du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng trên địa bàn huyện Thanh Thủy và du lịch trải nghiệm thiên nhiên - văn hóa cộng đồng trên địa bàn huyện Tân Sơn, trong đó chủ lực là dòng sản phẩm Văn hóa tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ. Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh đầu tư ngân sách Nhà nước và nhân dân công đức, cơ sở hạ tầng và các công trình kiến trúc, nơi thờ tự vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương đã được tu  bổ, tôn tạo, xây dựng và hoàn thiện dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách.

Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Phú Thọ đón trung bình 7,5 - 8 triệu lượt đồng bào, du khách trong nước và quốc tế về tham quan, thực hành tín ngưỡng và trải nghiệm, thưởng thức văn hóa, di sản, các điểm di tích thường xuyên đón khách du lịch gồm: Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Đền mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa), Miếu Lãi Lèn, Đình Hùng Lô, Đền Tam Giang, Thiên Cổ Miếu… các điểm di tích trên nằm trong các tour: City tour Việt Trì, Tour hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ, Tour du lịch đường sông, Tour liên kết Sài Gòn - Phú Thọ - Sapa, Tour Hà Nội - Phú Thọ liên vùng Đông Tây Bắc… Chương trình trải nghiệm, thưởng thức Di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ đã trở thành sản phẩm đặc sắc không thể thiếu trong các tour du lịch.

1-38

Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ gặp gỡ, làm việc với Lãnh đạo

Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (Ảnh: Xuân Hương)

Để có điều kiện phát triển du lịch bền vững, tăng sức hấp dẫn đối với du khách, Phú Thọ có nguồn tài nguyên về ẩm thực phong phú, đặc sắc như: cá Lăng Việt Trì, Gà đồi - gà 9 cựa, Dê - thịt chua Thanh Sơn, Bưởi Đoan Hùng, Hồng Gia Thanh, chuối phấn, bánh làng Dòng, chè xanh, rượu Hùng Vương… đặc biệt là bánh chưng bánh dày gắn với truyền thuyết về Hoàng tử Lang Liêu dâng thứ bánh tượng trưng cho trời tròn đất vuông, được Vua cha chọn làm người kế vị trở thành Vua Hùng Vương thứ 7 - Hùng Chiêu Vương.

Trên các diễn đàn du lịch, ẩm thực trong nước và quốc tế, nhắc đến Du lịch Việt Nam, các chuyên gia định hướng xây dựng nền ẩm thực Việt Nam trở thành “Bếp ăn của thế giới”. Hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam và Hội đầu bếp Việt Nam đã thành lập và đều có nguyện vọng tôn vinh Hoàng tử Lang Liêu là Tổ nghề Ẩm thực Việt Nam, từ đó cho thấy việc kết hợp phát triển Văn hóa ẩm thực gắn với Du lịch là tất yếu và hiệu quả. Ngành ẩm thực tôn vinh Tổ nghề cũng là mong muốn, tâm huyết, nguyện vọng chính đáng của những người làm nghề chân chính.

2-18

Đoàn khảo sát ngôi Miếu thờ Lang Liêu đã xuống cấp nghiêm trọng tại phường

Dữu Lâu - Việt Trì - Phú Thọ (Ảnh: Xuân Hương)

Truyền thuyết về sự tích bánh chưng bánh dày là nét đẹp văn hóa của dân tộc đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt và cần được giới thiệu rộng rãi đến du khách quốc tế, hình tượng về Hoàng tử Lang Liêu (Hùng Chiêu Vương) - người con hiếu thảo - ông Vua tài trí vẹn toàn, giúp dân sinh kế và đánh đuổi giặc Ân, bảo vệ cơ nghiệp, giữ yên bờ cõi nước Nam. Hùng Chiêu Vương rất chăm lo việc cầu cúng, hương khói Tổ tiên, Ngài thường lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh làm lễ cầu xin trời đất  ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Với tấm lòng ngưỡng mộ , tôn kính, ghi ơn công đức của Lang Liêu, nhân dân làng Dữu Lâu đã lập miếu thờ Ngài, hàng năm hương khói thờ phụng và mở hội tổ chức các trò chơi dân gian như đánh Lốc, hát Xoan, rước kiệu… Trải qua thời gian, do điều kiện phát triển thành phố, hiện tại ngôi miếu không còn nữa, Bài vị của Ngài được rước về thờ tại Đình làng Dữu Lâu.

Dữu Lâu xưa kia còn có tên gọi làng Trầu. Vùng đất này nằm trong kinh đô Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước, là một ngôi làng cổ nên còn lưu giữ nhiều giá trị Văn hóa đặc sắc. Tên gọi làng Trầu là vì nơi đây xưa kia là cánh đồng trầu mênh mông bát ngát của nhà Vua, tục ăn trầu trong dân gian còn lưu giữ đến ngày nay. Đất Dữu Lâu có làng Hương Trầm là nơi trồng được giống lúa nếp thơm nổi tiếng, làm ra bánh chưng, bánh dày dâng Vua. Chợ Dầu nằm bên sông Lô, xưa kia là nơi giao thương tấp nập của cư dân kinh đô Văn Lang, của ngon vật lạ được bán cho các vương hầu, công chúa, lá trầu cũng được chở đi khắp vùng lân cận.

3-16

Khảo sát Quy hoạch xây dựng Miếu thờ Lang Liêu tại Khu đô thị Đồng Cả Ông phường Dữu Lâu - Việt Trì - Phú Thọ

( Ảnh: Xuân Hương)

Từ những giá trị Văn hóa quý báu, đặc sắc còn lưu giữ trên vùng đất Dữu Lâu, thể theo nguyện vọng của nhân dân và nhu cầu bức thiết của ngành Du lịch, rất cần thiết phải xây dựng ngôi Đền thờ Lang Liêu - Hùng Chiêu Vương ngay trên chính nơi Cụ đã sinh sống và cùng nhân dân sinh kế. Ngôi Đền uy nghi bề thế để tôn vinh công đức của Ngài và là nơi cho nhân dân và du khách trong nước, quốc tế về chiêm bái, phụng  thờ. Trong khuôn viên Đền cần khôi phục lại vườn Trầu của nhà Vua, cánh đồng lúa nếp Hương Trầm, khôi phục Lễ hội hàng năm, trò chơi đánh Lốc, rước kiệu, tổ chức thi gói bánh chưng - giã bánh dày để giúp du khách có thêm trải nghiệm trong các tour du lịch về thăm đất Tổ.

0 Bình luận

Loading...