Tương Làng Bợ - đặc sản truyền thống người dân Việt

12 Tháng 8, 2017 | Làng nghề

Tương Làng Bợ - đặc sản truyền thống người dân Việt

(XTDL) - Xa xưa, nước mắm rất hiếm nên tương là gia vị chính trong bữa ăn của người dân Việt. Qua năm tháng, nghề làm tương dần bị mai một, hình thức sản xuất chủ yếu tự sản tự tiêu, cho đến nay, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, nghề làm tương truyền thống đã chính thức được phục hồi. Tương làng Bợ dần hồi sinh, góp phần phát triển kinh tế trên quê hương Thạch Đồng.

image001-6

Sản phẩm tương làng Bợ truyền thống

Tương làng Bợ trở thành món quà đặc sản ý nghĩa cho du khách.Tương làng Bợ lại ngọt đậm đà, thanh sạch, tinh khiết như chính tấm lòng chân thật của những con người tảo tần, lam lũ nơi đây. Để ra được sản phẩm chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, người làm tương phải cẩn thận, chăm chút trong từng công đoạn chế biến, từ khâu chọn nguyên liệu, ủ muối, ngâm nước đỗ.

Làng Bợ nằm trọn trong khu 3 và khu 4 của xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy với gần 400 hộ dân, nghề làm tương đã có chỗ đứng, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Để duy trì, nhân rộng, khuyến khích phát triển nghề sản xuất tương truyền thống; tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh, của huyện, xã đã có nhiều biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất; đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi, mở thêm các điểm bán hàng nên sản phẩm tương làng Bợ đã có sức tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, chất lượng tương làng Bợ ngày càng được quan tâm, chú trọng. Tuy các công đoạn làm tương ở đây đều được làm thủ công nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được đảm bảo. Các dụng cụ làm tương đều được cọ rửa sạch sẽ và phơi khô trước khi làm, quá trình ủ mốc, lên men đều được tiến hành một cách công phu và cẩn thận. Tương ngon còn phải chứa cả Tâm của người làm.

Tương làng Bợ thường được làm vào giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Gạo phải chọn lọc loại gạo thật ngon về sôi chín, để nguội rồi đem dãi nong cho thật tơi. Ủ gạo đến khi nong gạo lên mốc thì úp 2 nong vào nhau và ủ trong 1 tuần mới dồn tất cả vào thùng xốp, ủ tiếp trong 1 đến 2 ngày. Sau khi sạo ủ trong thùng xốp từ 1 đến 2 ngày thì chuyển gạo ra chum trộn cùng đỗ. Đỗ mua về đãi sạch được rang thơm chín rồi say nhuyễn thêm nước sôi để nguội ủ trong 10 ngày rồi mới cho trộn cùng gạo trong chum. Tương cho vào chum phơi nắng ít nhất 20 ngày mới sử dụng được (tương càng ủ được lâu càng ngon).

image003-5

Đỗ xanh ngâm ủ lên men

Nghề làm tương Bợ ở xã Thạch Đồng đã mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế và mặt xã hội, góp thêm lời giải cho bài toán xóa đói - giảm nghèo, tận dụng nguồn nhân lực ở địa phương và còn là một hướng đi trong sản xuất các sản phẩm truyền thống, có tính thương mại, dịch vụ, phục vụ cho du khách khi về với địa bàn giàu tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch như Thanh Thủy. Tới đây, để nghề truyền thống này thực sự phát triển, phát huy hiệu quả, Đảng ủy - UBND xã chủ trương dành nguồn lực đáng kể cho phát triển làng nghề; nhân rộng các mô hình, điển hình; chỉ đạo các hộ sản xuất nâng cao chất lượng, giữ vững thương hiệu sản phẩm, đảm bảo tốt vệ sinh an toàn thực phẩm; đi đôi với tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm; tích cực tìm kiếm thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc cho tương làng Bợ.

image005-2

Mỗi chai tương làng Bợ đều tốn hao công sức, gói ghém sự tinh tế của người làm, lưu giữ hồn quê mộc mạc, nghĩa tình. Mong rằng tương lai gần, tương làng Bợ sẽ có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân Việt Nam, là món quà du lịch ý nghĩa cho những người xa quê và khách du lịch quốc tế.

Địa chỉ: xã Thạch Đồng - huyện Thanh Thủy - tỉnh Phú Thọ.

Số điện thoại liên hệ: 0163 5471477.

Hỗ trợ phát triển sản phẩm làng nghề: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Đường Trần Phú - Phường Gia Cẩm - TP.Việt Trì - Phú Thọ.

Điện thoại: 0210 3582888 - Mrs. Kim Thanh.

Kiều Ngọc Linh - Trung tâm TTXT Du lịch

0 Bình luận

Loading...