Tổng quan Du lịch Phú Thọ

Phú Thọ là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc của Việt Nam có vị trí trung tâm của vùng và là cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội; Phía Đông giáp tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, phía Nam giáp tỉnh Hòa Bình, phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái và Tuyên Quang. Phú Thọ cách sân bay Quốc tế Nội Bài 50km, cách cảng Hải Phòng 170km, cách cửa khẩu Quốc tế Hà Khẩu (giữa Lào Cai và Vân Nam - Trung Quốc) hơn 200km. Địa bàn Phú Thọ là nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn: sông Hồng, sông Đà và sông Lô.

Diện tích tự nhiên của toàn tỉnh là 3532kmbao gồm 13 huyện thành thị, đó là thành phố Việt Trì - đô thị loại I (là trung tâm chính trị kinh tế và văn hóa của tỉnh Phú Thọ - là thành phố về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam), thị xã Phú Thọ và các huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập.

Theo số liệu thống kê năm 2016, tỉnh Phú Thọ có khoảng 1,4 triệu người với 21 dân tộc anh em sinh sống, số người trong độ tuổi lao động khoảng 850 nghìn người (60% dân số) trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm 65%, lao động qua đào tạo trên 20%, tập trung chủ yếu tại thành phố Việt Trì.

Về địa hình, khí hậu: Phú Thọ nằm trong vùng nhiệt đới, gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 23°C, lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1700 mm, độ ẩm trung bình năm khoảng 86%. Địa hình của tỉnh được chia thành 2 tiểu vùng: tiểu vùng núi cao phía Tây và phía Nam của tỉnh, là vùng có nhiều tiềm năng phát triển về lâm nghiệp, khai thác khoáng sản. Tiểu vùng đồi gò thấp, xen kẽ đồng ruộng, dải đồng bằng ven các triền sông Hồng, sông Lô, sông Đà. Nơi đây có tiềm năng để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến.

Trên địa bàn Phú Thọ còn có nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch. Thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất Phú Thọ ở vào vị trí trung tâm của Nhà nước Văn Lang. Vì vậy, Phú Thọ còn được nhân dân cả nước suy tôn là vùng Đất Tổ - miền đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Ngày nay trên vùng đất này có đền thờ các vua Hùng và hệ thống di tích lịch sử, lễ hội dân gian dày đặc thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của con dân đất Việt. Trải qua hàng ngàn năm với những bước thăng trầm của lịch sử, nhưng nơi đây vẫn giữ được dấu ấn của buổi đầu bình minh dựng nước của dân tộc với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú đang tồn tại. Toàn tỉnh có tổng 967 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 1 di tích Quốc gia đặc biệt, 73 di tích Quốc gia, 239 di tích cấp tỉnh và hàng trăm lễ hội dân gian đặc sắc cùng với các điều kiện tự nhiên để tạo cho Phú Thọ nguồn tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn, có thể khai thác các loại hình du lịch, dịch vụ như: tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch sinh thái và có thể đầu tư xây dựng các tổ hợp du lịch dịch vụ cao cấp, sân golf, khách sạn 5 sao, villa cao cấp...

Tỉnh Phú Thọ đã quy hoạch các khu, điểm du lịch, ban hành các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch, đặc biệt là các khu du lịch trọng điểm như Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; Vườn Quốc gia Xuân Sơn; Khu du lịch Đầm Ao Châu; Đền Mẫu Âu Cơ - Ao Giời Suối Tiên; Khu du lịch đầm Vân Hội... Đây là các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch có nhiều tiềm năng, đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh để ngành du lịch của tỉnh có điều kiện phát triển.

1.6M

Số dân sống tại
Phú Thọ

3.5K

Diện tích hàng nghìn
km vuông

1K+

Di tích lịch sử
văn hóa

6%

Du khách du lịch
hàng năm

Gặp gỡ lãnh đạo

Cơ cấu Tổ chức Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Phú Thọ